Lượt xem: 141
Những khó khăn, thách thức khi triển khai giáo dục STEM tại các trường trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018
Mở đầu: Giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering, Math) là một chương trình giảng dạy trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng theo cách tiếp cận liên môn, liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Thay vì dạy 4 môn học tách biệt, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày [1]. Mô hình giáo dục STEM được coi là xu hướng tất yếu của hệ thống giáo dục hiện đại, nó rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm gắn liền với thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc [2] [3] [4]. Để giáo dục STEM phát triển và mang lại tính hiệu quả, đòi hỏi cần phải có nhiều yếu tố và phụ thuộc vào tình hình thực tế mỗi địa phương. Do đó, trong bài viết này chúng tôi muốn đưa ra một số ý kiến thảo luận và góc nhìn khách quan để làm rõ những khó khăn, thách thức khi triển khai giáo dục STEMP tại các trường THPT trên tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Những khó khăn, thách thức lớn khi triển khai giáo dục STEM.

Khởi nguồn từ Mỹ, giáo dục STEM được coi là một phần quan trọng trong giáo dục và được triển khai ở nhiều nước. Theo xu thế giáo dục thế giới và theo chương trình GDPT 2018, giáo dục STEM trong trường phổ thông tại Việt Nam đang gặp được nhiều điều kiện thuận lợi, mở ra nhiều không gian, thời gian để phát triển giáo dục STEM hơn. Tuy nhiên, sự khác biết giữa phương pháp dạy học STEM và các môn học theo phương pháp truyền thống trước đây, đã làm cho việc triển khai STEM gây ra nhiều vấn đề cho giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường và học sinh.

Trong thực tế triển khai giáo dục STEM trong những năm gần đây vẫn chỉ ở quy mô hẹp, tập trung tại cơ sở giáo dục có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính. Nhiều trường chưa thực sự áp dụng STEM vào giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, chủ yếu xây dựng các hoạt động ngoài giờ lên lớp với hình thức trải nghiệm và nghiên cứu khoa học. Trong quá trình triển khai giáo dục STEM tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp những năm gần đây, đã cho thấy một số khó khăn, thách thức mà giáo viên phải đối mặt như:

Thứ nhất, giáo viên cho rằng STEM là một môn dạy theo kiểu tích hợp, liên môn, do đó giáo viên phải thay đổi phương pháp và cách thức giảng dạy. Điều này, khiến cho một số bộ phận giáo viên chưa sẵn sàng cho việc dạy theo hình thức tích hợp. Giáo viên thường cảm thấy rằng họ thiếu kiến thức chuyên môn liên quan đến nội dung bài học STEM. Nguyên nhân là do quá trình đào tạo giáo viên trước đây, giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, nên khi giảng dạy chương trình STEM theo kiểu tích hợp, liên môn thì giáo viên không đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, trong phương pháp giáo dục STEM đã chuyển vai trò của người giáo viên từ việc trực tiếp là người đứng lớp giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học sinh, sang thành người định hướng, hỗ trợ và giao việc cho học sinh. Còn học sinh sẽ là người chủ động tự tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu, kiến thức trước ở nhà, rồi sau đó nêu lên các ý tưởng và cách thức muốn làm các ý tưởng đó dưới sự trợ gúp, hướng dẫn của giáo viên. Với phương pháp thay đổi này, đòi hỏi khả năng tự học của học sinh phải cao, từ đó dẫn tới quá trình học không đồng đều và hiệu quả, do sự khác biệt giữa tư duy, nhận thức của từng cá nhân học sinh.

Thứ ba, những thách thức trong chương trình giảng dạy, một số giáo viên coi tính chất tích hợp của giáo dục STEM là một thách thức vì họ lo lắng về việc tuân theo kế hoạch chương trình giảng dạy này là dập khuôn theo của người khác, chứ không theo ý đồ sư phạm của cá nhân. Mỗi giáo viên có một ưu điểm và nhược điểm nhất định, nội dung chương trình giảng dạy đó có thể phù hợp với giáo viên này, nhưng lại không phù hợp với giáo viên khác. Do vậy, giáo viên cũng lo ngại về việc tích hợp chương trình giảng dạy STEM vào chương trình giảng dạy hiện tại của mình sẽ không phù hợp.

Thứ tư, sự hạn chế của việc sắp xếp lịch học có tác động tiêu cực đến tính chất liên môn và tính hiệu quả của các bài học STEM. Theo cách tiếp cận của chương trình GDPT 2018, mỗi một môn học có thể bố trí thời gian cho việc dạy liên tục trong một buổi hoặc dạy kết thúc môn này rồi tới môn khác, như vậy sẽ mang lại tính xuyên suốt của bài học, quá trình thực hành sẽ được liền mạch và mang lại hiệu quả hơn. Nhưng cách bố trí thời khoá biểu cho những môn học hiện nay tại các trường THPT vẫn áp dụng theo hình thức cũ, nghĩa là: một buổi học sẽ có các môn khác nhau, thời gian bố trí học cho các môn được sắp xếp xen kẽ và trãi dài cho hết các tuần của năm học. Chính vì điều này dẫn đến, việc giáo viên của các môn học cụ thể khác nhau không thể tiến hành công việc liên môn và cùng lên kế hoạch cho bài học của họ một cách hợp lý. Ngoài ra, còn có các rào cản cơ cấu khác như: việc hỗ trợ hành chính và tài chính để mua vật tư thực hành, thiết bị thực hành phù hợp cho các bài học STEM.

Thứ năm, sự quan tâm của học sinh là một rào cản khác đối với việc tích hợp giáo dục STEM. Quá trình giảng dạy thực tế cho thấy rằng có một số lượng lớn học sinh chưa sẵn sàng tham gia tích cực vào việc tích hợp STEM. Khả năng giải quyết các vấn đề STEM của học sinh không đồng đều, không giống nhau, dẫn tới không phải em nào cũng quan tâm, cũng thích. Một số lĩnh vực nội dung quá khó đối với học sinh và điều này có thể khiến các em mất hứng thú học. Ở một số khu vực nông thôn, điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như học sinh có kết quả học tập thấp và việc sửa đổi chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của những học sinh này là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Thứ sáu, một thách thức lớn khác đối với việc triển khai dạy tích hợp STEM của giáo viên liên quan đến việc thiếu các công cụ đánh giá chất lượng, thời gian lập kế hoạch và kiến thức về các môn STEM. Hiện nay, chưa có đầy đủ các đánh giá tiêu chuẩn hóa cho các chương trình STEM, khiến việc đánh giá STEM trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức đối với giáo viên. Một số giáo viên lo ngại chất lượng về việc đánh giá kết quả theo nhóm, hình thức đánh giá theo cá nhân học sinh chưa có một hình thức thống nhất chung trong hệ thống giáo dục. Mỗi một giáo viên, mỗi một trường có các tiêu chuẩn, cách đánh giá cho điểm học sinh khác nhau, dẫn tới sẽ ảnh hưởng tới yếu tố xét điểm tốt nghiệp, xét điểm đại học cho các em học sinh.

Thứ bảy, thời gian và khối lượng công việc tăng thêm do phải lập kế hoạch, tích hợp các bài học STEM vào chương trình giảng dạy hiện tại của giáo viên. Do đó, giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn để đầu tư bài giảng và làm việc với giáo viên các môn học khác, cũng như quá trinh chuẩn bị tài liệu cho học sinh. Có vẻ như yếu tố thời gian là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhiều giáo viên khi triển khai các bài học STEM và không phải giáo viên nào cũng có thể đầu tư thời gian cho chuyên môn giảng dạy này, bởi vì giáo viên còn phụ thuộc vào yếu tố kinh tế gia đình, khi mà đồng lương giáo viên chưa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho cá nhân và gia đình của họ.

Mặc dù giáo viên đánh giá tích cực về tầm quan trọng của tích hợp STEM nhưng những yếu tố thách thức, khó khăn kể trên đã làm cho giáo viên không đủ tự tin để triển khai các bài học STEM một cách hiệu quả, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả giảng dạy, chất lượng đào tạo.

Kết luận

Muốn triển khai giáo dục STEM một cách toàn diện, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp, thúc đẩy phong trào giáo dục STEM bằng các hoạt động như: Câu lạc bộ, ngày hội, đại sứ STEM... Tăng cường hoạt động hợp tác đa phương, song phương trong các lĩnh vực về giáo dục STEM. Đồng thời, lãnh đạo trường học, các nhà hoạch định chính sách, giáo viên và các bên có liên quan khác cần xem xét lại vai trò của giáo dục STEM trong mối tương quan với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Đó là lối mở quan trọng để giáo dục STEM được nhân rộng và đi vào chiều sâu. Có như vậy, giáo dục STEM trong nhà trường mới góp phần tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho cả người dạy và người học.

 

Tài liệu tham khảo

[1] K. Margot, "Teachers’ perception of STEM integration and education: a systematic literature review," International Journal of STEM Education, vol. 6, 14 01 2019.

[2] M. Al Salami, "Assessing changes in teachers’ attitudes toward interdisciplinary STEM teaching," International Journal of Technology and Design Education, vol. 27, 01 03 2017.

[3] A. Bagiati, "Engineering curriculum in the preschool classroom: the teacher's experience," European Early Childhood Education Research Journal, vol. 23, 19 01 2015.

[4] A. Asghar, "Supporting STEM Education in Secondary Science Contexts," Interdisciplinary Journal of Problem-based Learning, vol. 6, 25 01 2012.

ThS. Lê Anh Trung - Trường THPT Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Thông báo - Hướng dẫn

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1475540
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.