29/07/2024
Lượt xem: 157
Nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng”
Chiều ngày 26/7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng”. Đề tài do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh sóc Trăng chủ trì thực hiện và TS. Lê Cao Thanh làm Chủ nhiệm đề tài.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng” được đưa vào thực hiện từ tháng 12 năm 2023 với mục tiêu nhằm tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc của tỉnh, có sức hấp mạnh mẽ khách du lịch và công chúng, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương và nâng cao doanh thu du lịch của tỉnh.
Qua 07 tháng triển khai thực hiện, đơn vị chủ trì và Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành xong các nội dung công việc. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Sóc Trăng có 2 tài nguyên du lịch văn hóa lễ hội đó là sông Maspero và Chợ nổi Ngã Năm. Sông Maspero không rộng nhưng đẹp, hai bên bờ sầm uất. Nơi đây lưu giữ những lịch sử văn hóa của thành phố Sóc Trăng và là nơi tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua Ghe Ngo truyền thống hàng năm của Đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi Ngã Năm có cảnh quan sông nước hữu tình, vị trí độc đáo và là một trong những Chợ nổi còn giữ được nét văn hóa giao thương trên sông nước xưa của người Nam Bộ. Hai địa bàn trên hoàn toàn có đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển sản phẩm văn hóa lễ hội sông nước.
Đề tài đã đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông Maspero, với chủ đề là Lễ hội Sông Trăng. Với tài nguyên văn hóa phong phú, hàng năm tỉnh có thể tổ chức lễ hội với các chủ đề khác nhau và chuyển tải những giá trị văn hóa khác nhau. Có 05 chủ đề được đề xuất cho giai đoạn 2025-2030 là: Bản Hùng Ca Trên Sông, Dòng Chảy Đến Vô Cùng, Dòng Sông Nhiệm Màu, Xôn Xao Bến Nước, Dòng Sông Kỷ Niệm. Song hành với lễ hội chính là các hoạt động bổ sung như: Hội nghị xúc tiến du lịch, Hội chợ nông sản MeKong, Lễ hội Ẩm thực, Triển lãm thành tựu và văn hóa Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu cũng đề xuất chuỗi lễ hội hàng năm (bên cạnh lễ hội chính: Lễ hội Sông Trăng và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua Ghe Ngo) để phát huy lễ hội chính và tận dụng tài nguyên để thu hút khách du lịch.
Nghiên cứu cũng đã đề xuất phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước Chợ nổi Ngã Năm. Với tài nguyên văn hóa phong phú, hàng năm tại thị xã Ngã Năm có thể tổ chức lễ hội với các chủ đề khác nhau và chuyển tải những giá trị văn hóa khác nhau. Có 05 chủ đề chính được đề xuất cho giai đoạn 2025-2030 là: Ngũ Phụng Khải Hoàn Ca, Ngã Năm Mùa Trái Chín, Chợ Nổi Mùa Lễ Vu Lan, Trở Về Dòng Sông Tuổi Thơ, Chợ Nổi Xuân Về. Song hành với lễ hội chính là các hoạt động bổ sung như: tổ chức đoàn Famtrip, tổ chức tour du lịch, Lễ hội ẩm thực,…
Để phát triển thành công các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước, đề tài đã đề xuất hệ thống giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển chuỗi sản phẩm bổ sung và hỗ trợ sản phẩm lễ hội để tăng thêm sức hấp dẫn, khai thác tốt tài nguyên du lịch. Với sản phẩm trên sông Maspero cần phát triển Phố Ẩm thực Sông Trăng, Phố đi bộ Sông Trăng, Chợ đêm Sông Trăng, phát triển tổ hợp giải trí sông Maspero,…tạo thành chuỗi sản phẩm Lễ hội Sông Trăng. Với sản phẩm du lịch lễ hội Chợ nổi Ngã Năm, giải pháp nhấn mạnh việc xây dựng chợ đêm Ngã Năm, phố ẩm thực. Bên cạnh đó, cần triển khai các mô hình dịch vụ văn hóa nghệ thuật để chuyên nghiệp hóa hoạt động phục vụ lễ hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Hội đồng, kết quả thực hiện đề tài đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Đạt”.
Tác giả: Đặng Thị Kim Tuyến