22/08/2024
Lượt xem: 835
Hội thảo khoa học “Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, đánh giá các trở ngại về tài nguyên đất, nước, môi trường cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Cù Lao Dung”
Sáng ngày 14/8/2024, tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, đánh giá các trở ngại về tài nguyên đất, nước, môi trường cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Cù Lao Dung”.
Hội thảo khoa học “Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, đánh giá các trở ngại về tài nguyên đất, nước, môi trường cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Cù Lao Dung” được tổ chức trong khuôn khổ của đề tài “Đánh giá chất lượng đất đai để bố trí cây trồng phù hợp và đề xuất giải pháp sử dụng bền vững đất nông nghiệp huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng”. Đề tài này do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện vào cuối năm 2023 từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, dự kiến đến năm 2026 đề tài sẽ được hoàn thành.
Việc tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, đánh giá các trở ngại về tài nguyên đất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Cù Lao Dung. Đến tham dự Hội thảo có đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, UBND các xã, thị trấn ở huyện Cù Lao Dung và một số Hợp tác xã, hộ dân trồng cây ăn trái, rau màu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.
|
|
Quang cảnh buổi Hội thảo
|
Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã thông tin về kết quả điều tra khảo sát thu thập thông tin về thực trạng sản xuất nông nghiệp (nguồn lực của nông hộ, kỹ thuật canh tác, hiệu quả tài chính, thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất,…) của huyện Cù Lao Dung, tập trung vào 04 loại cây trồng là bắp, khoai lang, nhãn và xoài. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã đi khảo sát thực địa và thu mẫu đất để tiến hành phân tích các chỉ tiêu hóa, lý của đất. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy đất canh tác nông nghiệp ở huyện Cù Lao Dung có các trở ngại về: độ chua, giảm chất hữu cơ và đặc biệt là bị nén dẽ tầng canh tác. Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu đánh giá chất lượng đất canh tác nông nghiệp một cách chi tiết để triển khai xây dựng 04 mô hình canh tác, tập trung ở nhóm cây ăn trái và rau màu ở các vùng sinh thái khác nhau của huyện Cù Lao Dung.
Sau khi nghe báo cáo kết quả, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở huyện Cù Lao Dung và mong muốn đơn vị chủ trì, Chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu để chỉnh lý bổ sung, cập nhật bản đồ đất và đánh giá chất lượng đất đai từ đó bố trí thử nghiệm mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cho một số cây trồng triển vọng phù hợp với chất lượng đất đai hiện tại của huyện Cù Lao Dung; Đồng thời đề xuất giải pháp để khai thác, sử dụng đất nông nghiệp ở huyện Cù Lao Dung một cách hiệu quả.
Tác giả: Dương Hồng Nga