Lượt xem: 2110
Tiềm năng, thách thức, định hướng phát triển thương mại điện tử
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng cũng gặp không ít thách thức và cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển TMĐT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Một số ứng dụng TMDT phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Internet

         Theo thống kê, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ. Mục tiêu đến năm 2025, TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.

         Tính đến tháng 3/2022, cả nước có 1.446 sàn giao dịch TMĐT đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường bán lẻ TMĐT phát triển nhanh nhất.

         Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), dựa trên Báo cáo E-Conomy SEA - 2021 và Báo cáo "Việt Nam: TMĐT tăng tốc sau COVID-19" của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) 2021, đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng Việt Nam. Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 55% đến từ khu vực ngoài thành thị. Trong đó, những người sử dụng các dịch vụ số trước đại dịch - đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch xảy ra và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%. Xu thế tăng trưởng của hoạt động mua sắm hàng trực tuyến vẫn được tiếp tục duy trì, ngay cả sau giai đoạn giãn cách xã hội. Mua hàng trực tuyến đã dần trở thành thói quen mua sắm thường xuyên của người dân. Qua đó, cho thấy Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để phát triển TMĐT, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ.

         Bên cạnh các tiềm năng, việc phát triển TMĐT của Việt Nam có một số thách thức như:

         - Sàn giao dịch TMĐT nước ngoài đang chi phối thị trường Việt Nam: Theo Bộ TT&TT, thách thức đầu tiên là thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Đáng chú ý một số DN xuất phát điểm là DN Việt Nam nhưng khi thành công thì được nước ngoài mua lại hoặc do pháp nhân nước ngoài nắm cổ phần chi phối. Điển hình như sàn Tiki vốn là một sàn bản địa Việt Nam, đến cuối năm 2020 vốn nước ngoài tại sàn này đã chiếm gần 55%, và đến 2021 sàn này chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global của Singapore. Như vậy, Tiki đã trở thành DN Singapore. Tương tự, sàn Sendo xuất phát điểm là DN Việt Nam, nhưng đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã lên tới hơn 65%. Việc chi phối thị trường của các sàn TMĐT nước ngoài thể hiện rõ qua số lượt truy cập. Theo số liệu tháng 02/2022, tổng số lượt truy cập trên Shopee là 78,5 triệu lượt, trên Lazada là 14,8 triệu lượt, trên Tiki là 14,1 triệu lượt và Chợ tốt (Việt Nam) là 12,7 triệu lượt. Trong bảng xếp hạng các ứng dụng di động (Android, iOS) mua sắm tại Việt Nam, Shopee cũng là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, xếp sau lần lượt là Lazada, Tiki. Sự chi phối của sàn giao dịch TMĐT nước ngoài còn được thể hiện ở sở thích của người tiêu dùng: Khoảng 51% người Việt Nam coi Shopee là nền tảng mua sắm yêu thích, Lazada đứng thứ hai (18%), tiếp theo là Facebook (8%), Tiki (7%). Hơn nữa, hơn 70% người dùng trẻ tuổi (17-25 tuổi) cũng coi Shopee là sàn giao dịch TMĐT tốt nhất.

         - Mất an toàn, an ninh mạng: Với tỉ lệ chiếm lĩnh thị trường TMĐT lớn, các sàn TMĐT có sở hữu nước ngoài không những có doanh thu lớn tại thị trường Việt Nam mà còn nắm giữ một lượng lớn dữ liệu của người Việt Nam, từ các trường thông tin cơ bản như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ đến các thông tin về hành vi mua sắm, sở thích, thói quen và mức sống của người dân Việt Nam. Đây chính là nguy cơ rất lớn về an toàn, an ninh mạng, thậm chí thách thức chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

         - Thiếu sự quản lý với các nền tảng xuyên biên giới: Theo Bộ TT&TT, không chỉ riêng các sàn TMĐT, các nền tảng mạng xã hội phổ biến cũng dần lấn sang các hoạt động TMĐT và giao dịch trực tuyến. Điển hình như Facebook, Google, Netflix, Youtube, Amazon, TikTok… các nền tảng này cho phép hiển thị các quảng cáo mua bán hàng hoá, sản phẩm, có thể thực hiện mua bán qua liên kết với các sàn TMĐT, hoặc tích hợp trực tiếp việc đăng tải mua bán sản phẩm trên các nền tảng này. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, việc các nền tảng xuyên biên giới thiếu tuân thủ pháp luật Việt Nam vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Những vấn đề về kiểm soát nội dung thông tin, nộp thuế và các nghĩa vụ khác đều chưa được thực hiện nghiêm túc và triệt để.

         - Các thách thức khác như: Tăng tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam; dịch vụ bưu chính trong nước bị thay thế bởi nước ngoài. Sự tham gia của các DN nước ngoài nhằm thâu tóm thị trường chuyển phát Việt Nam đã tác động mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê năm 2021, trong số khoảng 45.000 tỷ đồng tổng doanh thu từ dịch vụ bưu chính toàn ngành bưu chính (của trên 700 DN, bao gồm cả 2 DN lớn là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Viettel Post), nhóm các DN bưu chính thuộc sở hữu nước ngoài là Giao hàng tiết kiệm (GHTK), Giao hàng nhanh (GHN), J&T, Ninjavan, Best Express, Ahamove, Shopee Express, Flex Speed (Lazada Express) chiếm khoảng 18.670 tỷ đồng, tương đương 41,5% tổng doanh thu toàn ngành. Điều này cho thấy các DN chuyển phát Việt Nam đang dần bị loại khỏi ngành chuyển phát cho TMĐT - mảng đang phát triển mạnh, ước đạt doanh thu 25 tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh khối DN ngoại chi phối thị trường TMĐT và dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT tại Việt Nam đã tạo ra nhiều khó khăn cho các DN bưu chính trong nước, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguồn dữ liệu lớn gắn với hoạt động giao nhận của DN cung ứng dịch vụ bưu chính bị sử dụng trái pháp luật.

         Theo Bộ TT&TT, việc phát triển các sàn giao dịch TMĐT Việt Nam và các DN logistics TMĐT Việt Nam mạnh, đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên thị trường là hết sức cấp thiết cũng như tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường TMĐT. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện gắn kết chặt chẽ việc phát triển TMĐT, kinh tế số nông thôn với phát triển các DN bưu chính Việt Nam và các sàn giao dịch TMĐT của các DN này. Để tiếp tục phát triển các sàn TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, Bộ TT&TT và Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số định hướng trọng tâm như sau:

         - Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông thôn trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã được Bộ trường Bộ TT&TT phê duyệt tại Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), cá thể CĐS, kinh doanh trên sàn TMĐT Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn thông qua việc tăng cường đào tạo cho các hộ SXNN và người dân nông thôn về kỹ năng số để tham gia hoạt động trên môi trường số; thúc đẩy việc tham gia, giao dịch trên các sàn TMĐT của các DN bưu chính Việt Nam, hỗ trợ người dân đưa sản phẩm dịch vụ của mình lên các sàn TMĐT để góp phần đưa mỗi một người dân thành một doanh nhân; cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… qua các ứng dụng sàn TMĐT của Postmart và Vỏ sò; thúc đẩy các nền tảng TMĐT phát triển thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty TMĐT cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng.

         - Xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương để thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sàn giao dịch TMĐT nông thôn và dịch vụ hạ tầng bưu chính, chuyển phát tại địa phương cần được đẩy mạnh, trong đó chú trọng việc triển khai nhiệm vụ thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, đặc biệt là nền tảng sàn giao dịch TMĐT Việt Nam; xây dựng và tổ chức triển khai chương trình thúc đẩy TMĐT tại các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển với hạ tầng bưu chính thuận lợi và nhiều nông sản, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ độc đáo; tăng cường liên kết TMĐT giữa các vùng miền; phát triển hạ tầng bưu chính cho TMĐT gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển các trung tâm bưu chính quốc gia/vùng.

         - Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT để hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; tăng cường hợp tác giữa các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quản lý và phát triển TMĐT; đẩy nhanh việc thành lập và tập huấn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng tới tận xã, phường, thôn, xóm. Đưa Tổ công nghệ số cộng đồng, với thành phần cốt lõi đoàn thanh niên, trở thành cánh tay nối dài của chính quyền để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hỗ trợ Chính quyền hướng dẫn người dân kỹ năng số cần thiết để tham gia các sàn giao dịch TMĐT, sử dụng các dịch vụ số và các nền tảng số một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

         - Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển TMĐT thông qua báo giấy, báo điện tử, ấn phẩm, mạng xã hội và các hình thức khác, đặc biệt sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương và tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng./.

(Nguồn: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/153849/Thach-thuc--nguy-co-trong-phat-trien-TMdT-cua-Viet-Nam-va-de-xuat.html)

Lâm Văn Tùng
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1264089
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.