Lượt xem: 10585
Một số công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả
Những năm gần đây, công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến, hoàn thiện, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất thủy sản nói riêng đã và đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay; thu hút nhiều doanh nghiệp sự tham gia nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế:

1. Công nghệ nuôi tôm thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt - Úc                                             

Hệ thống ao nuôi được thiết kế, gồm 03 ao tương ứng với 03 giai đoạn nuôi: Giai đoạn vèo (Diện tích 150 m2), sau 20 ngày, chuyển sang nuôi giai đoạn 2 (diện tích 800 m2) khoảng 50 ngày, sau đó tiếp tục chuyển sang nuôi thương phẩm (giai đoạn 3, diện tích 1.500 m2) khoảng 50 ngày, tiến hành thu hoạch. Ao được thiết kế hình tròn, khung sắt, dạng ao nổi, lót bạt nhằm đảm bảo an toàn sinh học, nước bên ngoài không ngấm được vào trong ao. Hệ thống xử lý nước được thiết kế nhằm đảm bảo cho việc xử lý, cung cấp đủ nước đầu vào, xử lý nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất; không ảnh hưởng đến môi trường cũng như ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào hệ thống nuôi.

Tôm nuôi được cho ăn bằng máy cho ăn hoạt động theo nguyên lý khí động học, được thiết kế với bộ định lượng có thể đo lường chính xác lượng thức ăn cần sử dụng, giá trị hiệu chuẩn của bộ định lượng giúp người sử dụng biết được chính xác khối lượng thức ăn phun ra trên mỗi giây, giúp việc tính toán, thiết lập, cài đặt các thông số được nhanh, chính xác. Ngoài ra, phần mềm được cài đặt trên điện thoại di động và kết nối với máy cho tôm ăn qua môi trường mạng cho phép người dùng tính toán, cài đặt nhanh các thông số như: lượng thức ăn cho ăn/giờ; thời gian phun, ngưng phun thức ăn (dựa vào lượng thức ăn cần cho ăn/ngày). Bên cạnh đó, bộ định lượng cũng được lắp cảm biến để cảnh báo đến người dùng khi hệ thống vận chuyển thức ăn bị nghẹt (thông qua đèn báo).

Việc ứng dụng nguyên lý hoạt động của bộ Ventury cho việc vận chuyển thức ăn từ thùng chứa đến vị trí đặt bộ phun thức ăn thông qua ông nhựa PVC, được kết hợp sử dụng chung với hệ thống sục khí đáy ao, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư.

Ao nuôi kết nối máy cho tôm ăn theo nguyên lý khí động học

Cấu tạo máy cho tôm ăn theo nguyên lý khí động học

Công nghệ nuôi này sử dụng tôm giống chất lượng cao (sạch bệnh, sức đề kháng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh) của Tập đoàn Việt - Úc, chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh, giúp tôm nuôi tăng trưởng nhanh, sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau 115 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 24 con/kg, tỷ lệ sống đạt 90%; chi phí đầu tư thấp hơn từ 20 - 25% và số vụ nuôi nhiều hơn so với mô hình nuôi truyền thống.

2. Công nghệ CPF - Combine nuôi tôm 3 giai đoạn của Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam

Mô hình CPF - Combine nuôi tôm 3 giai đoạn được chia làm 3 khu chính:

- Khu vực xử lý nước đầu vào: Nước từ ao chứa sẽ chạy qua hệ thống xử lý nhanh, sau đó nước được bơm qua các ao sẵn sàng và cấp cho hệ thống ao nuôi. Toàn bộ khu này được lót bạt đáy 100% và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

- Khu vực ương nuôi tôm theo quy trình 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, tôm được ương trong ao với diện tích từ 100 - 200 m2, mật độ 2 - 3 con/lít nước, thức ăn sử dụng là SuperShrimp, sau từ 25 - 30 ngày, trọng lượng tôm đạt khoảng 1.000 con/kg, tiến hành chuyển sang nuôi giai đoạn 2 (Nuôi tôm lứa), mật độ từ 300 - 400 con/m2, thời gian nuôi từ 25 - 30 ngày, trọng lượng tôm đạt từ 100 - 150 con/kg, tiếp tục chuyển sang nuôi tôm thương phẩm (Giai đoạn 3), mật độ nuôi từ 150 - 200 con/m2, thời gian nuôi từ 25 - 30 ngày, trọng lượng tôm đạt từ 30 - 35 con/kg, tiến hành thu hoạch. Trong hệ thống nuôi này, các ao được lót bạt 100%, có hố xi phong, hệ thống cung cấp Oxy, mái che,… nhằm đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt nhất, hạn chế tác động của thời tiết, dịch bệnh. Việc quản lý môi trường trong quá trình nuôi được thực hiện theo Chương trình C.P - Probiotic farming, sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh.

- Khu vực xử lý chất thải: Hệ thống Biogas được ứng dụng để xử lý chất thải từ đáy ao; nước thải được xử lý và tái sử dụng; không ảnh hưởng đến môi trường; nguồn khí từ hầm Biogas được sử dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Mô hình nuôi này nhằm hướng đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững, giúp người nuôi xoay vụ nhanh, các ao nuôi có thời gian nghỉ, công tác vệ sinh hệ thống ao được thuận lợi; ngoài ra, còn sử dụng ưu thế tăng trưởng bù, do việc sang thưa, giảm dần mật độ tôm nuôi ở mỗi giai đoạn, công tác quản lý, chăm sóc tôm nuôi được thuận lợi hơn, hạn chế dịch bệnh, tôm nuôi phát triển tốt, tôm thu hoạch đạt kích cỡ lớn, năng suất cao, giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.

Mô hình CPF-Combine nuôi tôm 3 giai đoạn

3. Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 02 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ Trúc Anh

Mô hình do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh thực hiện thông qua kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh 02 giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc”. Giai đoạn 1, tôm được ương (PL 10 - 12) trong ao lót bạt; có mái che, hệ thống cung cấp Oxy (quạt nước, Oxy đáy), ống sang tôm..., mật độ từ 1.000 - 3.000 con/m2, sau thời gian ương từ 20 - 25 ngày, trọng lượng tôm đạt từ 1,2 - 1,5 g/con, chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm (Giai đoạn 2), mật độ từ 200 - 300 con/m2 (việc chuyển tôm từ ao ương qua ao nuôi thông qua ống sang tôm nhằm hạn chế gây sốc cho tôm), sau thời gian nuôi từ 65 - 80 ngày, trọng lượng tôm đạt từ 40 - 60 con/kg, tiến hành thu hoạch, tỷ lệ sống đạt từ 90 - 95%, năng suất từ 30 - 40 tấn/ha. Trong quá trình nuôi các yêu cầu kỹ thuật như: Lượng nước (qua xử lý) cấp cho quá trình sản xuất, hệ thống cung cấp Oxy, máy cho tôm ăn,... cần được đảm bảo; đồng thời kết hợp với việc sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ trong quá trình ương, nuôi. Theo mô hình này, mỗi năm có thể nuôi được từ 4 - 5 vụ.

Sơ đồ thiết kế hệ thống ao cho khu nuôi tôm có diện tích trên 1 ha

Sơ đồ vận hành hệ thống ao nuôi

4. Mô hình nuôi tôm “Công nghệ 234” của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Từ việc triển khai nhiều công trình nghiên cứu, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã rút kết được mô hình nuôi tôm “Công nghệ 234” đạt hiệu quả tối ưu, phù hợp với điền kiện sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. “Công nghệ 234”: “2” là nuôi 2 giai đoạn, “3” là thu 3 lần, “4” là 4 sạch. Cụ thể:

- Nuôi 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Ương tôm trong ao hình tròn nổi, đường kính 17,2m, thời gian ương từ 25 - 30 ngày. Giai đoạn 2: Nuôi tôm trong ao hình tròn nổi, đường kính 32m, thời gian nuôi khoảng 85 ngày.

- Thu 3 lần: Thu tỉa lần 1: Khi tôm nuôi được khoảng từ 60 - 65 ngày (tính cả thời gian ương), trọng lượng tôm đạt khoảng từ 60-70 con/kg, thu tỉa 50% lượng tôm nuôi trong ao; thu tỉa lần 2: Khi tôm nuôi được từ 80 - 85 ngày, trọng lượng tôm bình quân đạt 40 con/kg, thu tỉa 50% lượng tôm nuôi còn lại trong ao; thu lần 3: khi tôm nuôi được từ 110 - 115 ngày, trọng lượng bình quân đạt 20 con/kg, thu hết lượng tôm trong ao.

- 4 sạch: Tôm giống sạch bệnh; nguồn nước nuôi sạch; sạch kháng sinh (tạo ra sản phẩm sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tôm bán được giá cao); sạch môi trường (Nước nuôi tôm được lấy từ biển có độ mặn khoảng 25‰; nước sau khi nuôi được được xử lý qua hệ thống lọc tự nhiên kết hợp với máy lọc màng và được tái sử dụng; bùn thải ở đáy ao được xi phong, xử lý thông qua hệ thống Biogas, bùn thải sau khi xử lý được sử dụng để nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho tôm hoặc sản xuất bột đạm làm thức ăn trong chăn nuôi, nuôi thủy sản.

Diện tích của hệ thống nuôi tôm “Công nghệ 234” là 8 ha, trong đó, bố trí 20 ao nuôi hình tròn nổi, đường kính 32m (1.000m3/ao) và 10 ao ương hình tròn nổi, đường kính 17,2m và các công trình phụ nhằm đảm bảo cho việc vận hành hệ thống. Tổng chi phí đầu tư: 8,3 tỷ đồng/ha/năm, tổng doanh thu: 10,315 tỷ đồng/ha/năm và lợi nhuận: 2,015 tỷ đồng/ha/năm. Bình quân mỗi năm nuôi khoảng 4 vụ.

Ao nuôi tôm hình tròn nổi

5. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao - SUCCESS của Skretting Việt Nam

Bình quân 01 hệ thống nuôi có diện tích 01 ha, trong đó khoảng 60% diện tích sử dụng để xây dựng hệ thống xử lý nước (trước khi cấp vào ao nuôi), chứa nước thải, chất thải; 40% diện tích sử dụng để xây dựng hệ thống ao nuôi, mỗi ao nuôi với diện tích từ 500 - 2.000m2, độ sâu từ 1,5 - 1,8 m, lót bạt. Hạ tầng kỹ thuật được đảm bảo cho việc thực hiện mô hình. Hệ thống nuôi có bố trí hệ thống ống xả thải trung tâm, phục vục cho việc xả nước thải, bùn thải ra hệ thống xứ lý. Nước thải được tái sử dụng sau khi được xử lý đạt yêu cầu kỹ thuật nhằm hạn chế sử dụng nguồn nước từ bên ngoài, góp phần tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất, hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài cũng như ảnh hưởng đến môi trường.

Hoạt động của mô hình này dựa trên nguyên tắc: Thân thiện với môi trường; phòng bệnh hơn chữa bệnh; không sử dụng thuốc kháng sinh; an toàn sức khỏe con người, vật nuôi; tiết kiệm chi phí sản xuất.

Mô hình SUCCESS triển khai tại tỉnh Trà Vinh

6. Công nghệ nuôi tôm TLSS (Thang Long Smart System) của Công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long

Giai đoạn đầu, tôm được ương trong bể hình tròn, lót bạt, mật độ từ 2.000 - 3.000 con/m3, sau 20 - 25 ngày ương, trọng lượng tôm đạt từ 1.500 - 2.500 con/kg, tiến hành chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm trong ao lót bạt, diện tích 1.000 m2/ao, mật độ thả khoảng 200 con/m2, sau thời gian nuôi từ  60 - 70 ngày, trọng lượng tôm đạt từ 30 - 40 con/kg, tiến hành thu hoạch.

Hệ thống khu nuôi theo công nghệ nuôi tôm TLSS

Năm 2020, mô hình được triển khai nhân rộng cho các trang trại nuôi tôm thuộc hệ thống khách hàng của Công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mang lại hiệu quả tích cực, có đến 83% trang trại nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

7. Mô hình nuôi tôm ao đất bền vững của Công ty Cổ Phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh (VinhthinhBiostadt JSC)

Mô hình được VinhthinhBiostadt JSC phát triển từ công trình nghiên cứu “Giải pháp nuôi tôm ao đất bền vững: Ương vèo - Ao bạt trung gian - Ao đất”. Giai đoạn 1, tôm được ương trong bể với thể tích khoảng 100 m3, thời gian ương từ 20 - 25 ngày; sử dụng thức ăn, các chế phẩm sinh học - dinh dưỡng chuyên biệt nhằm đáp ứng yêu cầu cho ương tôm mật độ cao; tỷ lệ sống đạt khoảng 90%; sau đó, tôm được chuyển sang nuôi ở giai đoạn 2 trong ao tròn lót bạt (ao trung gian), mật độ từ 200 - 400 con/m2, thời gian nuôi từ  35 - 40 ngày, tiếp tục chuyển sang nuôi thương phẩm trong ao đất (Giai đoạn 3), mật độ 80 con/m2, thời gian nuôi từ 30 - 45 ngày, trọng lượng tôm đạt từ 30 - 40 con/kg, tiến hành thu hoạch. Đây là mô hình nuôi theo quy trình an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh thông qua phác đồ phòng bệnh, ít thay nước, hạn chế tác động đến môi trường cũng như phát sinh mầm bệnh gây hại cho tôm nuôi.

Kiểm tra sức khỏe tôm nuôi

8. Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh ao tròn nổi của Công ty TNHH Uni -President Việt Nam

Các bể nuôi được thiết kế dạng hình tròn, thể tích tùy thuộc vào công năng: Bể chứa, xử lý nước đầu vào từ 1.000 - 1.500 m3, bể ương từ 200 - 500 m3, bể nuôi từ 500 - 1.500 m3. Mật độ thả nuôi từ 350 - 450 con/m2, chia thành 03 giai đoạn: Giai đoạn 1, tôm được dèo trong ao lót bạt từ 45 - 50 ngày, sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 (ao lót bạt), thời gian nuôi từ 45 - 50 ngày, trọng lượng tôm đạt từ 120 - 150 con/kg, tiếp tục chuyển sang nuôi thương phẩm trong ao đất (giai đoạn 3) khoảng 30 ngày, trọng lượng tôm đạt khoảng 30 con/kg tiến hành thu hoạch; tỷ lệ sống khoảng 80%, sản lượng đạt từ 48 - 60 tấn/ha, chi phí đầu tư thấp hơn các mô hình nuôi truyền thống từ 10 - 20%. Mô hình này đã và đang được Công ty TNHH Uni-President Việt Nam triển khai nhân rộng cho hệ thống khách hàng của Công ty, đạt hiệu quả cao.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ao tròn nổi

Qua các mô hình nêu trên, tuy theo điều kiện, người nuôi tôm có thể chọn lựa mô hình phù hợp để áp dùng vào thực tế sản xuất, góp phần phát triển ngành tôm nước lợ của Việt Nam.

* Tài liệu tham khảo:

- Quyết định số 502/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 03/5/2017 của Tổng cục Thủy sản về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật;

-  https://nongnghiep.vn/nuoi-tom-cong-nghe-234-d246026.html;

- https://thuysanvietnam.com.vn/tap-doan-viet-uc-vuot-troi-quy-trinh-nuoi-tom-sieu-tham-canh-3-giai-doan/);https://thuysanvietnam.com.vn/success-mo-hinh-nuoi-tom-cong-nghe-cao/;https://thuysanvietnam.com.vn/nuoi-tom-thoi-cong-nghe-2;

- http://www.s6.com.vn/index.php/vi/news/Tin-tuc/Mo-hinh-CPF-Combine-nuoi-tom-3-giai-doan-5695/;http://www.s6.com.vn/index.php/vi/news/Tin-tuc/Ben-vung-nuoi-tom-sieu-tham-canh-ao-tron-noi-5921.

- http://vinhthinhbiostadt.com/vi/tin-tuc/giai-phap-nuoi-ben-vung-cho-nuoi-tom-ao-dat-la-uong-veo-ao-bat-trung-gian-ao-dat-1009.html;             

Tác giả: Lâm Văn Tùng

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1274566
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.