Lượt xem: 4564
Internet trong thập niên qua: 7 lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu internet và xã hội
Vào năm 2020, hơn phân nửa dân số thế giới đang sử dụng internet như một phần quan trọng trong cuộc sống của họ - tăng lên đáng kể so với chỉ dưới một phần ba dân số thế giới vào những năm đầu thập niên 2010. Cùng với sự gia tăng đáng kể về mật độ di chuyển và di cư của dân số toàn cầu, mạng internet ngày càng đan chặt với cơ cấu tổ chức xã hội của thế giới. Nhìn lại thành quả 7 lĩnh vực nghiên cứu chính về ảnh hưởng xã hội của internet trong thập niên qua, nhiều câu hỏi bỏ ngỏ sẽ còn được tiếp tục tìm hiểu và tranh luận trong thập niên tới.

Ảnh minh họa: Theecononmist

1. Kinh tế kỹ thuật số (Digital economies)

Kinh tế đóng vai trò cốt yếu trong việc định hình chính sách, kinh doanh và quy định cạnh tranh toàn cầu. Các cuộc tranh luận về những vấn đề kinh tế toàn cầu như sở hữu trí tuệ và tính trung lập mạng (net neutrality) là dấu ấn đậm nét của lĩnh vực nghiên cứu kinh tế kỹ thuật số trong thập niên vừa qua. Lĩnh vực nghiên cứu kinh tế kỹ thuật số chú trọng tìm hiểu những cách công nghệ định hình cuộc sống kinh tế và nghiên cứu ý nghĩa kinh tế và xã hội của các cấu trúc thị trường và mô hình kinh doanh mới, điển hình như AirBnB hay Uber (hoặc Grab ở thị trường Đông Nam Á). Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này thường sử dụng các phương pháp phân tích kinh tế để suy nghĩ về vấn đề xã hội liên quan tới công nghệ kỹ thuật số và internet; đặc biệt, các phương pháp này thường được vận dụng để tạo nên và thay đổi chính sách công mang tính chuẩn mực.

Các vấn đề nổi trội như bình đẳng kinh tế trong thời đại kỹ thuật số hay gig economy (tạm dịch là nền kinh tế ‘chạy show’) chiếm phần đa các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Đặc biệt, việc thành lập tổ chức Fairwork  Foundation với sự tham gia và ủng hộ của các nhà nghiên cứu đến từ Anh, Đức, Ấn Độ, và Nam Phi, cũng như việc xuất bản ấn bản “Năm Quy tắc trụ cột của Fairwork: tiêu chuẩn lao động trong thời kì kinh tế diễn đàn” đánh dấu những thành tựu quan trọng trong việc các nhà nghiên cứu đóng vai trò chủ động trong hình thành những chủ trương quản lý lao động công bằng. Theo thống kê của tổ chức Fairwork Foundation, hiện nay trên toàn thế giới có hơn bảy triệu người lao động đang làm việc và tìm kiếm thu nhập trên mạng internet thông qua các ứng dụng và diễn đàn.

Tuy mạng internet tạo nên cơ hội lớn cho nguồn lao động bảy triệu người này tìm kiếm thu nhập, nhiều người lao động kỹ thuật số phải đối mặt với mức lương thấp, lối sống bấp bênh, và thậm chí làm việc trong điều kiện kém và nguy hiểm do thiếu sự bảo vệ từ luật lao động hoặc các cơ quan tập thể. Tổ chức Fairwork Foundation được thành lập với mục đích mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế kỹ thuật số này bằng cách nghiên cứu và đánh giá thực tiễn các tổ chức và cơ quan tạo ra công việc thông qua diễn đàn và ứng dụng, và chấm điểm “công bằng” cho mỗi diễn đàn và ứng dụng này trên thang điểm 10. Các ứng dụng nổi tiếng toàn cầu như UberEats hay Uber đều nhận điểm rất thấp theo đánh giá của tổ chức này: trong năm 2019, Uber nhận điểm 2 tại Ấn Độ, điểm 5 tại Nam Phi, còn UberEats nhận điểm 3 ở cả hai quốc gia nói trên. Trong khi đó, tại Ấn Độ, Flipkart (diễn đàn mua bán trên mạng) nhận điểm 8 và tại Nam Phi, NoSweat (diễn đàn ứng dụng giúp người lao động tìm kiếm việc làm thời vụ ngắn hạn) nhận điểm 7. Cùng với sự theo dõi và đánh giá sát sao của tổ chức Fairwork Foundation, chúng ta có thể chờ đợi bức tranh toàn cảnh rõ nét của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu trong một tương lai không xa.

2. Kiến thức và văn hóa kỹ thuật số (Digital knowledge and culture)

Sự lan tỏa toàn cầu của internet đã thay đổi cách chúng ta tạo ra kiến thức, truy cập thông tin, và thậm chí là thay đổi cách các dân tộc toàn cầu tham gia vào di sản của mình. Những thay đổi này góp phần mở rộng quá trình kiến tạo và truyền đạt kiến thức đến ngày càng nhiều công dân hơn trên toàn cầu: không chỉ đơn thuần để lại những dấu chân kỹ thuật số (digital footprints) trên mạng xã hội hay trên các diễn đàn, công chúng đang ngày càng đóng góp một phần lớn vào việc sản xuất tri thức thông qua bàn luận và tranh luận trên internet. Hơn thế nữa, vai trò của internet và các công nghệ kỹ thuật số khác trong việc thay đổi các quy trình khoa học, khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn, cũng vô cùng phức tạp và đang ngày càng được nghiên cứu bằng nhiều phương pháp mang tính đa lĩnh vực.

Khảo sát và đánh giá lượng kiến thức đang được sản xuất trên mạng xã hội và các nguồn thông tin số khác là một chủ đề nghiên cứu nổi trội trong lĩnh vực này. Chỉ số Kinh tế Kiến thức Kỹ thuật số (Digital Knowledge Economy Index), đề xuất bởi nhóm nghiên cứu tại đại học Oxford, đánh giá hoạt động sản xuất tri thức của các quốc gia khác nhau với mục đích xếp hạng và thẩm định sự thiếu cân bằng trong sự đóng góp vào “kho kiến thức” thế giới toàn cầu. Kết quả xếp hạng cho thấy các quốc gia châu Âu, đặc biệt là nhóm các quốc gia Bắc Âu, chiếm thế thượng phong trong việc định hình kiến thức toàn cầu - với các nước Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, và Hà Lan nằm trong top dẫn đầu. Ở cuối bảng xếp hạng là các quốc gia ở châu Phi và Đông Nam Á như Myanmar, Angola, Sierra Leone, Guinea, và Eritrea. Việt Nam đứng hạng 100/143 các quốc gia được xếp hạng ở bảng xếp hạng này. Bảng xếp hạng này cho thấy, khi ta xem xét yếu tố kỹ thuật số trong việc đánh giá lượng sản xuất tri thức của các quốc gia toàn cầu, phần lớn các nước thu nhập thấp vẫn không thể đuổi kịp các quốc gia có thu nhập cao; thậm chí trong nhiều trường hợp, công nghệ kỹ thuật số còn mang lại nhiều thử thách hơn là triển vọng cho các quốc gia nghèo. Đây có thể được xem là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới chính sách và doanh nghiệp - những tổ chức thường ca ngợi và thúc đẩy nền kinh tế tri thức như chìa khóa giúp các quốc gia nghèo tăng trưởng nhảy vọt cùng với việc chào đón công nghệ kỹ thuật số.

3. Chính trị và nhà nước kỹ thuật số (Digital politics and government)

Mạng internet đã góp phần thay đổi không nhỏ các hoạt động chính trị, từ việc bỏ phiếu và vận động thay đổi chính sách đến việc hình thành các cuộc biểu tình và thậm chí là các cuộc cách mạng, đặc biệt là chuỗi sự kiện Arab Spring vào năm 2010. Những diễn biến này đặt ra nhiều thách thức mới đối với các quốc gia, khi các phong trào chính trị trở nên hỗn loạn hơn, khó có thể đoán trước và khiến xã hội khó quản lý hơn. Để có thể theo kịp được một thế giới chính trị đang biến đổi không ngừng, các mô hình và khung khái niệm của khoa học và lý thuyết chính trị truyền thống đang được mang ra rà soát và chỉnh sửa; ngoài ra, các phương pháp khoa học dữ liệu xã hội mới đang được thiết kế với mục đích nghiên cứu các hành vi và diễn biến chính trị trong thời đại kỹ thuật số.

Việc sử dụng các thuật toán để quản lý thông tin và việc tự động hóa tuyên truyền đã và đang gây nhiều chuyển động lớn trong đời sống chính trị quần chúng ở các nước phát triển. Các “bot” chính trị - những tập lệnh tự động trên internet được thiết kế với mục đích tương tác với các hệ thống máy tính hoặc người dùng internet - đang thao túng dư luận trên các ứng dụng mạng xã hội lớn như Twitter, Facebook, hay Sina Weibo ở Trung Quốc. Nghiên cứu xung quanh tác động của các tập của các “bot” trên phương tiện truyền thông xã hội đang là một lĩnh vực nổi trội; các “bot” chính trị thường xuất hiện trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, và thường được thiết kế để thúc đẩy lợi ích của các chính phủ đang gặp rắc rối. Các thành phần chính trị sử dụng “bot” với mục tiêu thao túng các cuộc đối thoại trên mạng xã hội và gây nhiễu các phe bất đồng ý kiến, cũng như tạo ra tin tức giả và thiếu tính xác thực. Hiện các công cụ dùng để phát hiện các “bot” chính trị vẫn còn đang được nghiên cứu và cải thiện; ngoài ra, các chiến lược chống tin giả nhằm tránh sự gia tăng tin rác để góp phần xây dựng sự tin tưởng của công chúng với môi trường thông tin trên mạng cũng là những lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển.

4. Giáo dục, cuộc sống kỹ thuật số, và phúc lợi toàn cầu

Các vấn đề xung quanh ảnh hưởng tâm lý, xã hội, và giáo dục của internet cho mọi độ tuổi là một lĩnh vực nghiên cứu ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. Các nhóm tuổi được chú ý quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực này là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên - thế hệ lớn lên cùng công nghệ kỹ thuật số. Hàng loạt các phương pháp khoa học đa dạng như khảo sát dân số, thí nghiệm trên mạng, phỏng vấn trực tiếp, hay quan sát trực quan đều được sử dụng để tìm hiểu những lợi ích và rủi ro liên quan đến phát triển tâm lý của giới trẻ xung quanh công nghệ internet và mạng xã hội. 

Nhờ internet, thời đại kinh tế kỹ thuật số đã bắt đầu. Trong ảnh là hãng mua bán nổi tiếng Amazon và diễn đàn mua bán trên mạng Flipkart của Ấn Độ

Một vấn đề vẫn còn gây tranh cãi trong lĩnh vực nghiên cứu này là việc đo lường ảnh hưởng của thời gian thanh thiếu niên sử dụng các thiết bị điện tử có màn hình (screen time) lên chất lượng giấc ngủ. Dù báo đài thường xuyên lên án việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, hay máy tính cá nhân thường xuyên, và đặc biệt là vào ban đêm, các nghiên cứu gần đây cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của việc sử dụng các thiết bị này lên giấc ngủ của thanh thiếu niên là hầu như không đáng kể. Nghiên cứu của Amy Orben và Andrew Przybylski đến từ Đại học Oxford cho biết, trong nghiên cứu của họ về chất lượng giấc ngủ của 11.884 thanh thiếu niên Anh Quốc xuất bản đầu năm 2020, có rất ít sự tương quan giữa việc sử dụng thiết bị điện tử 30 phút trước khi ngủ và chất lượng giấc ngủ. Tuy rằng sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn vài giờ có tương quan với việc mất đi vài phút trong giấc ngủ, nghiên cứu của họ cho thấy hiệu ứng này chỉ xảy ra trong tuần và hầu như không xảy ra vào dịp nghỉ cuối tuần.

Điều này cho thấy ảnh hưởng tương quan giữa việc sử dụng thiết bị điện tử và chất lượng giấc ngủ rất có thể là do chu kì sinh hoạt của thanh thiếu niên, khi họ phải dậy sớm ở những ngày trong tuần để đến trường, dẫn đến việc không thể bù lại giấc ngủ bị mất do sử dụng điện thoại hay máy tính. Hơn nữa, hai nhà nghiên cứu còn cho biết, khái niệm “thời gian sử dụng thiết bị điện tử” cần được đào thải vì khái niệm này dẫn đến nhiều hiểu lầm trong việc đo lường chất lượng ảnh hưởng của công nghệ lên cuộc sống xã hội. Thật vậy, hai tiếng sử dụng các thiết bị điện tử để giải trí và trao đổi thông tin với bạn bè và người thân sẽ mang lại ảnh hưởng vô cùng khác biệt với hai tiếng sử dụng các thiết bị này để chơi game, hay tìm hiểu tài liệu khoa học, hay đọc các thông tin mang tính tiêu cực. Các xã hội nhìn nhận ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số lên chính phúc lợi của người sử dụng công nghệ cần được cải thiện theo chiều hướng cởi mở hơn.

5. Đạo đức và triết lý thông tin

Nhóm từ “thời đại thông tin” thường hay được nhắc đến như một khẩu hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy cụm từ này chứa đựng nhiều ẩn ý cần được phân tích rõ ràng, chúng ta khó lòng phủ nhận tầm quan trọng của thông tin trong xã hội năm 2020. Thông tin là thành phần cơ bản của những tiến bộ công nghệ đặc trưng của thời đại chúng ta. Sự gia tăng tương tác giữa con người, tổ chức và các công cụ và đồ vật công nghệ đang tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ về con người và các hệ thống máy móc xung quanh họ với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử. 

Những thay đổi mang tính nền tảng như trên tạo ra các câu hỏi mang tính vĩ mô về quy chuẩn đạo đức xã hội, cũng như đòi hỏi con người suy nghĩ lại một cách nghiêm túc những câu hỏi mang tính triết lý đối với thông tin. Liệu chúng ta có nên tạo ra trí tuệ nhân tạo (AI)? Khi nào thì robot sẽ thay thế con người? Viễn cảnh đó trông như thế nào? Dữ liệu trên mạng là thuộc về ai, và ai có quyền kiếm lợi nhuận từ những dữ liệu này? Liệu việc xem các video khiêu dâm được làm giả (deepfake) dựa trên người thật là có trái đạo đức hay không? Làm thế nào để luật pháp có thể theo kịp những diễn biến này?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết sự hiểu biết chung về tiềm năng của các hệ thống AI thường mang tính lạc quan quá mức. Trên thực tế, các hệ thống này còn rất sơ khai và thậm chí dễ mắc lỗi và sai phạm. Ví dụ, các thuật toán tự học (machine learning algorithms) của IBM đã từng đề xuất các can thiệp y tế sai lầm mà nếu đưa vào tự động hóa có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người. Elon Musk, CEO của tập đoàn Tesla, đã cho ra mắt công nghệ tự lái Tesla quá sớm, trái với lời khuyên của các kỹ sư trong nhóm nghiên cứu, và đã làm mất niềm tin của người tiêu dùng và nền công nghiệp ô tô sau một vài tai nạn chết người. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc kết hợp AI vào mô hình khám chữa bệnh còn đang rất sơ khai. Tổ chức WHO đang soạn thảo hướng dẫn đạo đức cho việc kết hợp AI trong sức khỏe và y tế cho chiến lược 2020 - 2024. Rất khó hình dung liệu sẽ có những thay đổi cụ thể nào trong các cuộc tranh luận về đạo đức thông tin và kỹ thuật số, nhưng ta có thể biết chắc rằng trong 10 năm tới đây, những vấn đề đạo đức sẽ ngày càng được quan tâm và bàn luận nhiều hơn.

6. Địa lý và bất bình đẳng thông tin

Các câu hỏi về bình đẳng và công bằng xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại thông tin. Liệu internet và các công nghệ kỹ thuật số đang góp phần làm phát sinh sự phân hóa và chuyển biến xã hội, hay chỉ đơn thuần góp phần tái tạo các mối quan hệ xã hội và kinh tế sẵn có? Bằng cách thay đổi cách mọi người và các tổ chức tương tác với nhau, công nghệ thông tin phá vỡ và tái định hình các mạng xã hội, luồng thông tin và giá trị và không gian địa lý; thế nhưng các quá trình này có thể bị thao túng để gia tăng lợi ích riêng của những đối tượng nhất định?

Tìm kiếm các chiến lược quản lý đề cao tính minh bạch, trách nhiệm, ủng hộ quyền lợi của người lao động và quyền sở hữu dân chủ, là trách nhiệm của không chỉ chính phủ các nước, mà hơn hết là của các tổ chức kinh doanh điện toán. Hướng đến năm 2030, chúng ta cần một nền kinh tế thông tin toàn cầu mà trong đó người tiêu dùng biết nhiều hơn về tác động trong hành vi mua sắm của họ, các nhà quản lý phải thực thi các tiêu chuẩn công bằng tối thiểu, người lao động có quyền thực thi quyền lực tập thể của họ, và tất cả chúng ta tìm ra cách xây dựng, hỗ trợ và sử dụng các nền tảng kinh tế biểu mang tính dân chủ và có trách nhiệm .

Khoảng cách kỹ thuật số (digital divide), định nghĩa là sự chênh lệch bất bình đẳng giữa người có khả năng và kĩ năng truy cập thông tin internet và người không có những khả năng và kĩ năng cần thiết để sử dụng internet, đang ngày càng được rút ngắn. Tuy nhiên, với số lượng gia tăng người sử dụng internet ngày càng đáng kể, khái niệm khoảng cách kỹ thuật số cũng dần được tái định nghĩa và mở rộng để phản ánh đúng những chuyển biến xã hội toàn cầu. Trong số người sử dụng internet, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn là xu hướng vô cùng rõ nét toàn cầu; khoảng cách chủng tộc/dân tộc và khoảng cách giàu nghèo nhìn chung vẫn được tái thiết lập trong phương thức và hành vi sử dụng internet. Việc định hình chính sách để thu nhỏ và tiến tới đóng lại khoảng cách này là vô cùng quan trọng nếu các chính phủ toàn cầu thật sự muốn tận dụng internet như một công cụ giúp cải thiện bất bình đẳng và góp phần mở rộng giao thông thông tin thế giới.

7. Quản lý và an ninh thông tin

Làn sóng tấn công mạng gần đây đã cho thấy rõ rằng tội phạm mạng là mối quan tâm gia tăng toàn cầu. Vô số mối đe dọa như nhiễm phần mềm độc hại, lừa đảo qua mạng và trộm danh tính trên mạng internet có thể gây ra hậu quả tai hại cho người dân, các doanh nghiệp, và quốc gia. Tội phạm mạng - định nghĩa là hành vi phạm pháp luật được thực hiện với chuyên môn kỹ thuật không gian mạng - là mối đe dọa ngày càng tăng cao do tội phạm ở lĩnh vực này mang tính sáng tạo cao, nhanh chóng trong việc số hoá các hành vi tội phạm, và thay đổi hành vi tội phạm dựa trên tích lũy dữ liệu khổng lồ. Tác động kinh tế và xã hội ngày càng tăng của tội phạm mạng đã thúc giục các tổ chức, doanh nghiệp và trường đại học trên toàn thế giới phát triển các chiến lược nhằm mở rộng hiểu biết hiện tại của chúng ta về hiện tượng này.

Trong lĩnh vực nghiên cứu quan trọng này, các câu hỏi chính xoay quanh hình thức kỹ thuật tội phạm mạng, phác thảo các biện pháp phòng chống tội phạm, và thẩm định hậu quả kinh tế của tội phạm mạng. Dù sử dụng các hệ thống an ninh kỹ thuật tiên tiến, người dân và các tổ chức vẫn tiếp tục gặp phải các vi phạm an ninh trong khi sử dụng internet. Trong khi nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc thực hành an toàn trên internet, phần đông người sử dụng internet không tham gia vào các hành vi bảo vệ an ninh của chính mình một cách hiệu quả. Các câu hỏi xung quanh yếu tố quyết định hành vi an ninh mạng cá nhân đang được nghiên cứu nghiêm ngặt ở khối các nước châu Âu, và cần được nhân rộng hơn trên toàn thế giới trong tương lai.

(Nguồn: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Internet-trong--thap-nien-qua-7-linh-vuc-quan-trong-trong-nghien-cuu-internet-va-xa-hoi-22979).

Nguyễn Phạm Thu Hiền (tổng hợp)

Thông báo - Hướng dẫn

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1571774
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.