Theo khái niệm được đưa ra tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản, giống cây trồng là một tài sản trí tuệ. Việc tạo ra các giống mới này đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức, tiền bạc, nguồn nguyên liệu nên tổ chức, cá nhân chọn tạo phát triển hoặc phát hiện hay được hưởng quyền sở hữu sẽ đương nhiên có quyền đối với giống cây trồng đó. Khả năng độc quyền đối với một giống cây trồng mới không chỉ giúp các tổ chức, cá nhân thừa hưởng thành quả do mình sáng tạo ra, mà còn là tiền đề để phát triển các giống mới tiên tiến hơn, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Điều kiện bảo hộ giồng cây trồng
Theo Điều 158 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 64 Điều 1 Luật Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), điều kiện để giống cây trồng được bảo hộ là:
+ Giống cây trồng được bảo hộ phải là giống được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển;
+ Giống cây trồng đó có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định;
+ Giống cây trồng đó có tên phù hợp.
Thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng
- Hồ sơ: Theo quy định tại Điều 174 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi Điều 8 Nghị định 88/2010/NĐ-CP), bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng (mẫu tại Phụ lục 4 của Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT);
+ Tờ khai kỹ thuật khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (khảo nghiệm DUS);
+ Giấy ủy quyền, mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
+ Ảnh chụp mẫu giống: Tối thiểu 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9cm x 15cm thể hiện 3 tính trạng đặc trưng của giống đăng ký;
+ Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký;
+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
+ Chứng từ nộp phí, lệ phí;
+ Các tài liệu khác bổ trợ cho đơn.
Lưu ý: Mỗi đơn chỉ đăng ký bảo hộ cho một giống cây trồng.
- Cách thức thực hiện: Trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax).
- Trình tự thực hiện: được quy định tại tiểu mục 3.1 và 3.2 mục 3 Phần II.A Quyết định 3121/QĐ-BNN-VP.
Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Cục Trồng trọt.
Bước 2: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ
- Trường hợp nộp trực tiếp: Cục Trồng trọt kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;
- Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Trồng trọt xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;
- Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 08 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Cục Trồng trọt xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho tổ chức, cá nhân.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và trả kết quả
Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký bảo hộ gồm: tính mới, tên giống, tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt ban hành Quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và trả kết quả cho người đăng ký. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày ký, Quyết định cấp bằng bảo hộ phải công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp sau ba mươi (30) ngày, kể từ ngày quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng được công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt ban hành thông báo dự định từ chối cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và gửi cho người đăng ký có nêu rõ lý do. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày Quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng được công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu cơ quan bảo hộ giống cây trồng nhận được ý kiến phản đối hoặc khiếu nại bằng văn bản về việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng thì xử lý theo quy định tại Điều 184 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp nào bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực?
Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Bằng;
- Chủ bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;
- Chủ bằng bảo hộ không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;
- Chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
(Nguồn: https://sohuutritue.net.vn).
Diễm Lệ