Nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng”

Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành họp nghiệm thu dự án
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành chìa khóa thành công cho các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, đồng thời là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực này, minh chứng là Quyết định số 130/QĐ-TTg ban hành ngày 27/01/2021, nhằm triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.
Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã chú trọng việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất rau, củ, quả diễn ra một cách lạm dụng và khó kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ rau quả sạch, an toàn đang ngày càng gia tăng trong xã hội. Người tiêu dùng hiện nay ngày càng có ý thức cao hơn về sức khỏe, dẫn đến xu hướng chọn lựa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như VietGAP và GlobalGAP. Điều này không chỉ đơn thuần là tìm kiếm thực phẩm đủ no mà còn là mong muốn có được bữa ăn ngon, bổ dưỡng và đẹp mắt. Do đó, có rất nhiều cơ hội cho sự phát triển của sản phẩm từ công nghệ cao, đặc biệt là sản phẩm thủy canh.
Dưa lưới được xem là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp rất nhiều tiền vitamin A (β-carotene), axit ascorbic, axit folic, vitamin B6, vitamin K, niacin, vitamin B2, vitamin B1; các khoáng chất (B, Ca, Cu, Fe, Mg, Mn, P, K, Na, Zn); đường; protein và nguồn enzyme phong phú ( U.S. Department of Agriculture, 2020). Chính vì vậy, dưa lưới liệt kê vào danh sách các loại quả mang lại lợi ích cho sức khỏe như: tăng cường hệ miễn dịch; kiểm soát huyết áp; tăng cường thị giác; hỗ trợ giảm cân; hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường; giảm Cholesterol; phòng trị chứng lở loét, ung nhọt; chữa trị táo bón; Ngăn ngừa sỏi thận, lão hóa xương và đặc biệt có khả năng phòng chống ung thư (Waseem và cs, 2018). Theo USDA 2008, Dưa lưới là một trong những loại quả có giá trị cao về mặt dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Quả dưa lưới chứa các chất chống oxi hóa dạng polyphenol giúp phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hoạt động miễn dịch giảm các nguy cơ về bệnh tim mạch.
Nhằm hình thành mô hình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng giúp tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị nông sản, giúp chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng”. Dự án được thực hiện từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2024 với 03 nội dung cơ bản: Hoàn thiện quy trình trồng dưa lưới thủy canh phù hợp với điều kiện khí hậu, nước tưới tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (thông qua việc bố trí sản xuất 04 vụ dưa lưới thủy canh trong hệ thống nhà màng sẵn có đáp ứng các tiêu chí: Năng suất đạt 650kg/208m2/vụ, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu đơn vị thu mua, nâng cao lợi nhuận ≥ 10% so với phương pháp trồng bằng giá thể); Đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật - xã hội của mô hình; Truyền thông kết quả thực hiện dự án.
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, kết quả thực hiện dự án đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện dự án đạt yêu cầu và đề nghị đơn vị chủ trì, Chủ nhiệm dự án chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện dự án và các sản phẩm của dự án theo ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Trần Ngô Kim Phụng