28/04/2025
Lượt xem: 47
Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài "Định danh và đánh giá hoạt tính sinh học của các loài Rau mương Ludwigia sp. tại tỉnh Sóc Trăng định hướng bào chế mỹ phẩm hỗ trợ điều trị mụn”
Chiều ngày 26/4/2025, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài "Định danh và đánh giá hoạt tính sinh học của các loài Rau mương Luwigia sp. tại tỉnh Sóc Trăng định hướng bào chế mỹ phẩm hỗ trợ điều trị mụn", đơn vị chủ trì là Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Chủ nhiệm đề tài là TS. Nguyễn Văn Lâm.
Rau mương là loài cây mọc hoang tại tỉnh Sóc Trăng. Từ tổng quan tài liệu về các nghiên cứu liên quan cho thấy Rau mương chứa đựng đa dạng các hợp chất kháng khuẩn rộng, kháng oxy hóa, kháng viêm ... là nguồn hoạt chất đầy tiềm năng cho nghiên cứu định hướng bào chế kem hỗ trợ điều trị mụn. Tuy nhiên, để phân biệt các loài Rau mương chỉ dựa vào hình thái bề ngoài rất dễ gây nhầm lẫn vì thế việc định danh chính xác tên khoa học, nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và các ứng dụng tiếp theo, cung cấp các dữ liệu khoa học tin cậy góp phần nâng cao giá trị sử dụng, ý thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo tồn nguồn Rau mương.
Mục tiêu của đề tài là định danh khoa học giúp phân biệt các loại Rau mương Ludwigia sp. mọc tại tỉnh Sóc Trăng. Thông qua kết quả sàng lọc hoạt tính ức chế một số dòng vi khuẩn, khả năng kháng oxy hóa của các cao chiết, lựa chọn cao chiết có hoạt tính tốt nhất. Tiến hành phối trộn, bào chế kem hỗ trợ trị mụn chứa cao chiết Rau mương đạt tiêu chuẩn mỹ phẩm của Việt Nam. Đề tài góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc sử dụng Rau mương như một nguồn dược liệu kháng khuẩn trong dân gian; nâng cao giá trị ứng dụng của loài cây mọc hoang tại tỉnh Sóc Trăng; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, tạo sản phẩm đặc trưng cho địa phương; góp phần cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế.


Ảnh quang cảnh tại buổi họp Hội đồng

Ảnh sản phẩm kem hỗ trợ điều trị mụn
Sau thời gian hơn 01 năm triển khai, các thành viên thực hiện đề tài đã hoàn thành các sản phẩm, tiêu biểu như: 01 Bộ dữ liệu về hình thái, vi phẫu, giải trình tự gen các loại Rau mương Ludwigia sp. mọc tại tỉnh Sóc Trăng, thông tin đầy đủ, hình ảnh rõ ràng. Quy trình chiết xuất cao có hoạt tính đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm, đơn giản, chính xác, khoa học và có tính ứng dụng cao, đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13632:2023. Báo cáo phân tích hoạt tính kháng khuẩn, kháng oxy hóa của cao chiết và sản phẩm sau bào chế, minh chứng thực nghiệm đính kèm. Quy trình bào chế kem điều trị mụn có chứa thành phần cao chiết Rau mương, 01 Quy trình. Quy trình đơn giản, chính xác, khoa học và có tính ứng dụng cao. Đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13632:2023. Sản xuất 50 hủ, (50g/hủ) Kem hỗ trợ điều trị mụn chứa thành phần Rau mương, đạt tiêu chuẩn về mỹ phẩm của Việt Nam, quy định về: Cảm quan, tính chất hóa lý, kích ứng da, giới hạn vi sinh vật.
Qua phân tích của các thành viên Hội đồng cho thấy kết quả thực hiện đề tài đạt yêu cầu, đáp ứng tiến độ, sản phẩm, kết quả có tính vượt trội so với dự kiến.
Theo các thành viên Hội đồng, đơn vị chủ trì cần bổ sung phân tích hiệu quả kinh tế, xã hội khi sử dụng kết quả thực hiện đề tài, có phương án sử dụng kết quả thực hiện đề tài sau nghiệm thu, đề xuất đơn vị tiếp nhận, sử dụng kết quả thực hiện đề tài theo quy định. Hội đồng đã thống nhất đánh giá kết quả thực hiện đề tài đạt yêu cầu, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu các sản phẩm của đề tài sau khi đơn vị chủ trì điều chỉnh theo góp ý của các thành viên Hội đồng.
Tác giả: Nguyễn Thanh Dũng