28/02/2025
Lượt xem: 56
Giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo QCVN 20-1:2024/BYT
Quy chuẩn kỹ thuật này quy định giới hạn tối đa các chất ô nhiễm (kim loại nặng và vi sinh vật); lấy mẫu và phương pháp thử; yêu cầu quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với sản phẩm rượu bổ được công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là các sản phẩm được dùng bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày. Mục đích sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm cải thiện, tăng cường và duy trì các chức năng của cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tật. Việc doanh nghiệp tuân thủ các quy chuẩn liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe vừa tạo thuận lợi về mặt pháp lý, vừa xây dựng niềm tin mạnh mẽ đối với người tiêu dùng.

Mục đích sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm cải thiện, tăng cường và duy trì các chức năng của cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tật. Ảnh minh họa.
Theo đó, QCVN 20-1:2024/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, do Ban soạn thảo xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe biên soạn, Cục An toàn thực phẩm trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 12/2024/TT-BYT ngày 18 tháng 7 năm 2024.
Quy chuẩn kỹ thuật này quy định giới hạn tối đa các chất ô nhiễm (kim loại nặng và vi sinh vật); lấy mẫu và phương pháp thử; yêu cầu quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với sản phẩm rượu bổ được công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cụ thể, quy chuẩn này quy định rõ về giới hạn tối đa kim loại nặng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các kim loại: Arsen (As); Cadmi (Cd); Chì (Pb); Thủy ngân (Hg). Đồng thời cũng quy định giới hạn tối đa vi sinh vật trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe như đối với Enterobacteriaceae (Vi khuẩn Gram âm dung nạp mật); hay Escherichia coli (khuẩn E.coli) và Salmonella spp (khuẩn Salmonella) không được có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe;...
Cũng theo QCVN 20-1:2024/BYT, việc ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025 theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe chịu trách nhiệm về sản phẩm, đảm bảo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với các yêu cầu tại quy chuẩn kỹ thuật này và các quy định của pháp luật có liên quan.
QCVN 20-1:2024/BYT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nguồn: Vietq.vn
Chi cục TĐC Sóc Trăng (Phú Nguyên)