Hướng dẫn một số nội dung về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Sáng kiến cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Thực hiện Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều lệ Sáng kiến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số nội dung về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Sáng kiến cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
1. Hội đồng Sáng kiến cơ sở
Hội đồng Sáng kiến cơ sở (Hội đồng) gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Ủy viên và Thư ký Hội đồng. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quyết định triệu tập họp định kỳ hoặc đột xuất.
Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận công khai và biểu quyết thống nhất trong tập thể. Khi cần thiết, Hội đồng mời tác giả, đồng tác giả có đơn đề nghị công nhận sáng kiến đến cuộc họp trình bày làm rõ thêm về sáng kiến của mình. Các kỳ họp của Hội đồng hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên dự họp.
2. Cách thức đánh giá
2.1. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến
Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến được quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 02/2020/QĐUBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh Sóc Trăng, cụ thể:
- Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến ở cơ sở là 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.
- Đối với giải pháp đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm (chưa đưa vào áp dụng chính thức), tác giả căn cứ vào kết quả sau các lần thử nghiệm để chọn thời điểm thích hợp đề nghị công nhận sáng kiến.
2.2. Chấm điểm các sáng kiến
Sáng kiến được đánh giá dựa trên 02 tiêu chí: Tính mới và khả năng mang lại lợi ích thiết thực. Tổng số điểm của các tiêu chí đánh giá là 100 điểm. Căn cứ thang điểm chuẩn của từng tiêu chí, các thành viên Hội đồng đánh giá chấm điểm, sáng kiến đạt phải có điểm bình quân từ 65 điểm trở lên.
- Tính mới được xem xét ở các khía cạnh: không trùng tên, nội dung với sáng kiến, giải pháp của tác giả khác đã được công bố, áp dụng, công nhận hoặc chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.
- Khả năng mang lại lợi ích thiết thực phải đánh giá các nội dung sau đây:
+ Cách thức triển khai áp dụng sáng kiến trên thực tế;
+ Phạm vi triển khai áp dụng sáng kiến; đánh giá khả năng áp dụng của sáng kiến trong phạm vi (nội bộ đơn vị, một số đơn vị, tất cả các đơn vị trong, ngoài tỉnh hoặc toàn ngành).
+ Kết quả sau khi triển khai áp dụng, có số liệu cụ thể so sánh kết quả trước và sau khi áp dụng giải pháp.
Để đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh cần lưu ý sáng kiến phải được tham khảo áp dụng ở địa phương khác.
2.3. Hiệu lực biểu quyết Hội đồng tiến hành bỏ phiếu. Sáng kiến được Hội đồng thông qua phải có ít nhất 2/3 ý kiến đồng ý của các thành viên Hội đồng có mặt.
(Chi tiết xem tập tin đính kèm).
Huong_dan_hoat_dong_cua_hoi_dong_sang_kien_co_so.pdf
Nguyễn Phạm Thu Hiền