Lượt xem: 89
Vai trò của kỹ thuật hạt nhân trong đánh giá chất lượng protein
Kỹ thuật đánh dấu đồng vị kép cho phép các chuyên gia dinh dưỡng đo lường chính xác quá trình tiêu hóa protein bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu.

Nhiều nguồn thực phẩm có protein chất lượng có thể được các nhà khoa học đánh giá thông qua kỹ thuật đánh dấu đồng vị kép

Để có thể hoạt động tốt, cơ thể con người cần được cung cấp đủ lượng protein chất lượng cao hàng ngày dưới dạng 9 axit amin thiết yếu. Nhu cầu protein của mỗi cá nhân là khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng thể chất. Ví dụ, nhu cầu của một đứa trẻ đang lớn khác với nhu cầu của phụ nữ mang thai, người già hoặc bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Việc tiếp cận nguồn protein đầy đủ và chất lượng cao trên toàn cầu hiện nay chưa đồng đều. Theo Liên Hợp Quốc, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi dân số thế giới  ngày càng đông (dự đoán sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050). Tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ thống lương thực và năng suất cây trồng cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp protein toàn cầu. Mặt khác, lượng khí thải cacbon đioxit cao có thể làm giảm nồng độ protein ở một số loại cây trồng tới 20%. Khi nhận thức về tác động bất lợi của môi trường đến các mô hình tiêu dùng và hệ thống sản xuất hiện tại tăng lên, một số đề xuất được đưa ra là chuyển từ sử dụng protein động vật sang protein thực vật. Tuy nhiên, không phải tất cả các nguồn thực phẩm protein đều có chất lượng như nhau (động vật thường được hiểu là cung cấp protein chất lượng cao hơn).

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, hơn 300 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Utrecht, Hà Lan từ ngày 14-16/9/2023 để tham dự Hội nghị Chuyên đề quốc tế về Protein trong chế độ ăn uống vì sức khỏe con người. Hội nghị do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Đại học & Quỹ nghiên cứu Wageningen, Viện Ridde thuộc Đại học Massey phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đồng tổ chức. Tại Hội nghị, những tiến bộ khoa học trong thập kỷ qua đã được chú ý nhấn mạnh. Một  trong số đó là việc sử dụng chỉ số axit amin thiết yếu dễ tiêu hóa (Digestible Indispensable Amino Acid Index - DIAAS) để đánh giá khả năng tiêu hóa axit amin theo khuyến nghị của FAO. Những tiến bộ đáng chú ý khác bao gồm kỹ thuật đánh dấu đồng vị bền cho phép các nhà khoa học dinh dưỡng đo lường chất lượng protein trong khẩu phần ăn, từ đó tạo ra dữ liệu cần thiết về mức độ đáp ứng nhu cầu cơ thể của một số nguồn thực phẩm nhất định.

Tại Hội nghị, GS. Paul Moughan, Viện Ridde thuộc Đại học Massey cho biết: “Khi thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào một số loại protein thực vật có chất lượng thấp thì việc thu thập được thông tin chính xác về chất lượng protein từ nhiều loại thực phẩm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”. Thông qua phân tích máu và hơi thở, kỹ thuật đánh dấu đồng vị kép cho phép các chuyên gia dinh dưỡng đo lường chính xác quá trình tiêu hóa protein bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu. Đây là kỹ thuật được phát triển thông qua một dự án nghiên cứu phối hợp của IAEA tại 07 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong giai đoạn 2015-2021. Ông Moughan cho biết thêm: “Các phương pháp đánh dấu đồng vị sẽ ngày càng quan trọng hơn khi mà các dữ liệu mới được tạo ra nhiều hơn cũng như các kỹ thuật này được khẳng định”.

Giáo sư Moughan nhấn mạnh sự phát triển của phương pháp đồng vị kép để đánh giá chất lượng protein trong khẩu phần ăn

Các nguồn protein thay thế, chẳng hạn như các loại cây trồng bị lãng phí, côn trùng ăn được, protein vi sinh vật, vi tảo, protein từ nấm và thực phẩm nuôi cấy, có thể giúp nuôi sống thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rõ về giá trị dinh dưỡng của những thực phẩm này, đặc biệt là chất lượng protein của chúng. Khi kết hợp thông tin giá trị dinh dưỡng của thực phẩm với dữ liệu tích lũy về chất lượng protein thực phẩm dựa trên DIAAS thì các nhà hoạch định chính sách cần có một cơ sở dữ liệu toàn cầu để giúp thiết kế các hướng dẫn chế độ ăn uống nhằm tối ưu lượng protein tiêu thụ. Bà Maria Xipsiti, chuyên gia dinh dưỡng của FAO cho biết: “Sáng kiến chung của FAO/IAEA nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu đầu tiên về chất lượng protein sẽ giải quyết nhu cầu và tiềm năng cung cấp thông tin để thiết lập các yêu cầu mới về protein trong tương lai. Đây là một ví dụ sinh động về cách thức phối hợp, đối thoại và hành động của các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng quan trọng”.

Các chuyên gia tham gia Hội nghị đã nhất trí về sự cần thiết phải chuyển trọng tâm thu thập dữ liệu dinh dưỡng từ thực phẩm đơn lẻ sang chế độ thực phẩm phức hợp, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình - nơi hệ thống thực phẩm dễ bị ảnh hưởng hơn bởi những tác động bên ngoài. Việc đáp ứng nhu cầu protein của thế giới đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ đòi hỏi chế độ ăn uống cân bằng, phù hợp với từng bối cảnh cụ thể, sử dụng kết hợp các nguồn protein. Ông Victor Owino, chuyên gia dinh dưỡng của IAEA nhấn mạnh: “Thách thức trong việc xây dựng các chế độ ăn như vậy đòi hỏi các công cụ để đánh giá và hiểu được sự khác biệt về chất lượng protein của các loại thực phẩm khác nhau”. Các kỹ thuật đồng vị bền sẽ vẫn là mấu chốt và có tiềm năng ứng dụng rộng rãi để tạo ra cơ sở dữ liệu quan trọng về chất lượng protein.

Kỹ thuật đánh dấu đồng vị ổn định kép (DSIT) đo quá trình tiêu hóa protein theo cách xâm lấn tối thiểu thông qua phân tích máu và hơi thở. Về bản chất, DSIT là kỹ thuật đánh dấu đồng vị bền nhưng được thực hiện với 2 loại đồng vị bền khác nhau (trong phạm vi của bài là đồng vị Deuteri và đồng vị C-13) ở hai giai đoạn khác nhau là giai đoạn hình thành protein trong cây trồng, vật nuôi (đánh dấu thông qua thức ăn và nước tưới cho vật nuôi, cây trồng) và giai đoạn tiêu thụ, chuyển hóa protein của con người.

Trong giai đoạn đầu tiên của kỹ thuật này, các axit amin trong thực phẩm thử nghiệm được đánh dấu bằng cách sử dụng đồng vị ổn định đơtơri. Đơtơri vô hại được thêm vào nước uống của động vật để nghiên cứu các nguồn protein động vật và nước tưới cho thực vật như rau, củ. Sau đó, thực phẩm được gắn đơtơri này sẽ được những người tình nguyện sử dụng cùng với nguồn protein tham chiếu được gắn cacbon-13, đồng vị cacbon bền. Giai đoạn thứ hai sẽ tiến hành phân tích nồng độ axit amin từ các mẫu máu và hơi thở được thu thập lúc trước và sau khi ăn. Khả năng tiêu hóa được xác định bởi tỷ lệ axit amin trong máu so với axit amin trong bữa ăn. Việc thu hồi cacbon-13 từ các mẫu hơi thở sẽ cung cấp chỉ số thứ hai về quá trình tiêu hóa protein.

(Tổng hợp từ: http://vaea.gov.vn/470/news-detail/1493762/nghien-cuu-phat-trien-ung-dung/vai-tro-cua-ky-thuat-hat-nhan-trong-danh-gia-chat-luong-protein.html).

Nguyễn Phạm Thu Hiền

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1270847
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.