Lượt xem: 250
Biểu đồ tham chiếu quốc tế về thành phần cơ thể trẻ sơ sinh giúp giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng
Một nghiên cứu do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hỗ trợ đã sử dụng kỹ thuật đồng vị hạt nhân để đánh giá thành phần cơ thể ở trẻ sơ sinh và tạo ra dữ liệu tham khảo quốc tế mới.

Thiết lập một nền tảng dinh dưỡng vững chắc trong hai năm đầu đời đã được các chuyên gia toàn cầu công nhận là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng, phát triển chức năng và sức khỏe tối ưu trong cuộc đời mỗi con người sau này. Một chỉ số đã được kiểm chứng về sức khỏe dinh dưỡng là thành phần cơ thể - lượng mỡ và mô nạc tương đối tạo nên cơ thể.

Một nghiên cứu do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hỗ trợ đã sử dụng kỹ thuật đồng vị hạt nhân cùng với các phương pháp khác để đánh giá thành phần cơ thể ở trẻ sơ sinh và tạo ra dữ liệu tham khảo quốc tế mới. Kết quả nghiên cứu  đã được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ vào tháng 5/2023. Thông qua việc sử dụng kỹ thuật đồng vị bền - pha loãng đơteri (deuterium) - các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về thành phần cơ thể từ khu vực Châu Phi, Châu Á, Châu Đại Dương và Nam Mỹ, nơi dữ liệu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ sơ sinh trước đây chỉ dựa trên tỷ lệ cơ thể như cân nặng và chiều dài.

Bà Alexia Alford, Chuyên gia dinh dưỡng tại IAEA và tác giả chính của nghiên cứu này cho biết: “Mặc dù chiều dài và cân nặng là yếu tố cốt lõi của các phép đo trẻ sơ sinh, nhưng chúng không cung cấp thông tin về thành phần cơ thể của trẻ, bao gồm khối lượng mỡ và khối lượng không tính mỡ trong cơ thể. Đây là những chỉ số có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe lâu dài, vì vậy điều quan trọng là phải đo thành phần cơ thể trong thời thơ ấu”.

Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2019 đã đo thành phần cơ thể trong hai năm đầu đời của 1.496 trẻ sơ sinh. Dữ liệu thu thập được trên những trẻ sơ sinh khỏe mạnh trong nghiên cứu này trở thành bộ cơ sở dữ liệu thành phần cơ thể đa dạng nhất hiện có và làm căn cứ phát triển biểu đồ tham chiếu quốc tế về thành phần cơ thể cho trẻ sơ sinh từ lúc mới sinh đến 24 tháng tuổi.

Cũng theo bà Alford, biểu đồ thành phần cơ thể tham chiếu này sẽ cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng và các nhà nghiên cứu công cụ để diễn giải dữ liệu thành phần cơ thể trẻ sơ sinh, từ đó có thể cung cấp thông tin và đánh giá các biện pháp can thiệp để chống lại gánh nặng kép về dinh dưỡng và tạo giai đoạn thơ ấu khỏe mạnh hơn. Gánh nặng kép về dinh dưỡng đề cập đến tình trạng suy dinh dưỡng ở mức độ cao, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, và mức độ béo phì ngày càng tăng.

Các biểu đồ tham chiếu thành phần cơ thể mới sẽ hỗ trợ thiết kế các biện pháp can thiệp dinh dưỡng dựa trên dữ liệu chính xác, nhiều thông tin và phù hợp hơn. Bằng cách này, dữ liệu có thể góp phần tăng cường các chương trình dinh dưỡng và củng cố các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng như tình trạng sức khỏe kém lâu dài liên quan đến tuổi trưởng thành. Trẻ sơ sinh có thành phần cơ thể kém có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan khi trưởng thành, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc bệnh tim.

Các kỹ thuật hạt nhân được sử dụng để đánh giá thành phần cơ thể ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Nhìn một cách đơn giản, trọng lượng cơ thể của một người bao gồm khối lượng mỡ và khối lượng không tính mỡ cấu tạo nên cơ thể của họ. Khối lượng không tính mỡ bao gồm nước, khoáng chất và protein, còn khối lượng mỡ không bao gồm nước. Tổng lượng nước trong cơ thể có thể được đo bằng kỹ thuật pha loãng đồng vị bền hạt nhân của đơteri và khi chúng ta biết tổng lượng nước trong cơ thể, tương ứng với khối lượng không tính mỡ, chúng ta có thể ước tính khối lượng mỡ.

Đơteri là một đồng vị bền và không phóng xạ của hydro, một trong hai thành phần của nước (H2O). Pha loãng đơteri được sử dụng trong nghiên cứu này để đánh giá thành phần cơ thể của trẻ sơ sinh từ 03 đến 24 tháng tuổi. Các nhà chuyên môn dùng miếng bông gòn để thu thập mẫu nước bọt từ trẻ sơ sinh trước khi cho trẻ nuốt một lượng nhỏ nước có nhãn đơteri (2H2O). Nước được dán nhãn trộn với nước trong cơ thể trẻ sơ sinh và sau vài giờ, chất đồng vị này lan đều khắp nước trong cơ thể. Một mẫu nước bọt thứ hai sau đó được thu thập từ trẻ sơ sinh. Sự làm giàu đơteri trong nước bọt được đo bằng phép đo khối phổ tỷ lệ đồng vị hoặc phép đo phổ hồng ngoại biến đổi Fourier. Tổng lượng nước trong cơ thể được tính toán từ mức độ làm giàu đồng vị đo được, trọng lượng cũng như mức độ làm giàu của nước được dán nhãn đơteri đã tiêu thụ. Từ đó, khối lượng không tính mỡ được ước tính bằng cách sử dụng hệ số hydrat hóa thích hợp. Khối lượng mỡ được tính bằng sự chênh lệch giữa trọng lượng cơ thể và khối lượng không tính mỡ. Dựa trên những tính toán này, các biểu đồ tham khảo về thành phần cơ thể trẻ sơ sinh, khối lượng không tính mỡ và khối lượng mỡ đã được tạo ra.

(Tổng hợp từ: http://vaea.gov.vn/bieu-do-tham-chieu-quoc-te-ve-thanh-phan-co-the-tre-so-sinh-giup-giai-quyet-tinh-trang-suy-dinh-duong.html).

Nguyễn Phạm Thu Hiền

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1271348
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.