28/11/2024
Lượt xem: 207
Tham vấn về Cơ hội và Hợp tác hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Sóc Trăng
Ngày 21/11/2024 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) tại Việt Nam và Cục Trồng trọt tổ chức buổi tham vấn về Cơ hội và Hợp tác hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Sóc Trăng.

Hình 1. Quang cảnh buổi họp tham vấn
Đến tham dự có ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau; Các đối tác tư nhân và doanh nghiệp (Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Phân bón MTK, Công ty TNHH Tư Sang); Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tổ chức Winrock International Việt Nam; Các chuyên gia IRRI và các nhà khoa học Đại học Cần Thơ cùng tham dự.
Tại buổi tham vấn, đại biểu được chuyên gia khoa học của IRRI thông tin về chuyên đề “Một vài suy nghĩ về Vấn đề và cơ hội hợp tác hỗ trợ chương trình Một triệu ha” cho các địa phương tham dự. Qua đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện Đề án “một triệu ha” và kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tỉnh tham gia Đề án đề xuất Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ về kinh phí, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng chuyên canh lúa chất lượng cao; cải tiến trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nhân rộng mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho các tỉnh, thành vùng đề án.

Hình 2. Chuyên gia IRRI báo cáo chuyên đề thực hiện Đề án “một triệu ha”
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thanh Tùng lưu ý các địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung như: tổng hợp, số hóa tất cả các cơ sở dữ liệu (đầu ra, đầu vào) phục vụ cho công tác triển khai thực hiện đề án; thống nhất xây dựng quy trình sản xuất cụ thể cho từng địa phương, phù hợp với đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng và điều kiện canh tác lúa ở từng vùng; đề xuất khối doanh nghiệp và nhóm chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, đồng bộ cơ giới hóa, thiết bị gieo sạ phù hợp với mục tiêu của đề án và sử dụng được trên nhiều vùng đất khác nhau; sự vận hành đồng bộ kỹ thuật canh tác để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và hoạt động có hiệu quả ở các Hợp tác xã khi tham gia vào đề án; sự liên kết của các công ty, doanh nghiệp trong việc giải quyết nguồn rơm rạ sau thu hoạch theo chuỗi giá trị tuần hoàn trong canh tác lúa.
Nhân dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã trao tặng giấy khen cho ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhằm ghi nhận sự đóng góp của ông đối với ngành nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng trong việc công nhận nhóm giống lúa thơm đặc sản ST, những giải pháp thiết thực cho canh tác lúa để kịp thời ứng phó với hạn, mặn trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Hình 3. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng tặng giấy khen cho ông Lê Thanh Tùng
Bùi Thị Thu Ngọc