Hoạt động khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị
             Xác định được lợi thế của địa phương, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực của từng địa phương nhằm nâng cao chất lượng, phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

            Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai 47 đề tài, dự án (7 đề tài, dự án thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia và 40 đề tài, dự án cấp tỉnh) có liên quan đến việc phát triển các sản phẩm theo chuỗi liên kết gắn với thị trường với tổng kinh phí là 98.717.958.000 đồng (kinh phí sự nghiệp KH&CN Trung ương là 19.559.341.000 đồng, kinh phí sự nghiệp KH&CN địa phương 29.893.972.000 đồng; kinh phí từ nguồn khác là 49.264.645.000 đồng, trong đó có 24 đề tài, dự án đã nghiệm thu. Thông qua việc triển khai các đề tài, dự án, đã góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, đặc biệt là các sản phẩm nông sản. 

            Lúa, gạo đặc sản

            Để phát huy thế mạnh của cây lúa đặc sản trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tỉnh đã tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy nâu; lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh. Các giống lúa này là nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo ra các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao. Trong đó, gạo ST24 được vinh danh trong “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), gạo ST 25 được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo, tổ chức tại Manila (Philippines). Đây là vinh dự chung cho lúa gạo Sóc Trăng và cũng là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất các giống lúa, gạo thơm đặc sản gắn theo chuỗi giá trị trong thời gian tới. Ngoài ra, tỉnh đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” dùng cho sản phẩm gạo Tài nguyên của huyện Thạnh Trị.

            Hành tím

            Xác định vai trò chủ lực của cây hành tím trên vùng đất Vĩnh Châu, nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho việc ứng dụng, chuyển giao các quy trình công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất hành tím an toàn, sản xuất hành tím đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, mô hình sản xuất hành tím theo hướng hữu cơ để tạo được nguồn nguyên liệu có chất lượng, an toàn. Năm 2009, nhãn hiệu “Hành tím Vĩnh Châu” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, thông qua kết quả thực hiện đề tài “Phân tích các thành phần tạo nên đặc trưng của củ hành tím được trồng tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng”, cho thấy hành tím Vĩnh Châu có những đặc tính cảm quan đặc trưng hơn so với hành tím ở khu vực khác như có vị cay, mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt khi ăn, màu tím đậm, độ ẩm bề mặt lớn tạo cảm giác giòn... Trên cơ sở này, tỉnh đã xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh.

            Để nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm hành tím theo chuỗi liên kết, tỉnh đã nghiên cứu xác định mầm bệnh gây thối củ hành tím và tuyển chọn biện pháp sinh học để phòng trị bệnh cho cây hành tím; nghiên cứu, xây dựng được quy trình chế biến 7 sản phẩm từ củ hành tím Vĩnh Châu (Hành tím chế biến giảm thiểu (hành tươi); hành tím muối chua; nước uống hành tím; chutney hành tím; hành tím sấy thăng hoa; bột hành sấy; hành tím chiên chân không) ở quy mô phòng thí nghiệm và ở quy mô pilot; các sản phẩm chế biến từ hành tím bước đầu được thị trường biết đến và chấp nhận thông qua các hoạt động khảo sát thị trường, đồng thời sẵn sàng chuyển giao công nghệ đến các doanh nghiệp để triển khai sản xuất phục vụ cho thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước. Hiện nay, tỉnh đang triển khai mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi trong nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới tự động và phối hợp với Viện Ứng dụng Công nghệ - Bộ KH&CN nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN trong bảo quản, chế biến hành tím, trong đó sẽ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm từ củ hành tím tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía lạp xưởng Tân Huê Viên. Đây cũng là một trong các điều kiện thuận lợi để các sản phẩm gắn kết chặt chẽ với thị trường.

             Cây ăn trái

             Kết quả thực hiện đề tài “Khảo sát sự phân bố và gây hại của sâu đục trái trên cây có múi (Citripestis sagittiferella Moore) và đề xuất quy trình phòng trừ loại sâu này tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng” đã xây dựng được quy trình phòng trừ sâu đục trái trên cây bưởi. Nông dân đã đánh giá cao hiệu quả mang lại trong việc ứng dụng quy trình phòng trừ sâu đục trái cây có múi trên cây bưởi; lợi nhuận trong canh tác bưởi cao hơn so với phương pháp phòng trừ sâu đục trái theo tập quán của nông dân, do giảm được chi phí sử dụng thuốc, mức độ thiệt hại do sâu đục trái gây ra giảm đáng kể. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp tổng hợp theo quy trình phòng trừ sâu đục trái cây có múi trên cây bưởi, làm giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp cho lực lượng thiên địch phát triển, tạo sự cân bằng trong hệ sinh thái, góp phần phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng được mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam sành tại huyện Kế Sách với diện tích 1.000m2. Kết quả cho thấy: Tưới nhỏ giọt tiết kiệm được lượng nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống của người dân là 49,08%; bón phân qua hệ thống nhỏ giọt tiết kiệm được trung bình 32% lượng phân bón; giảm chi phí phân bón (2.695.000 đồng/1.000m2); giảm 75% công tưới; lợi nhuận cao hơn 38,58% so với phương pháp tưới truyền thống.

             Hiện nay, đang dần hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác từ lên liếp, chọn giống, đắp mô đến kỹ thuật xử lý ra hoa,... Xây dựng 07 mô hình (5 ha/mô hình) ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng hệ thống tưới nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được điều khiển bằng điện thoại thông minh kết nối với mạng internet trong canh tác cây bưởi, cam, nhãn, vú sữa, xoài, mãng cầu giúp người nông dân giảm công lao động, góp phần phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Tỉnh đã xây dựng 10 vùng trồng cây ăn trái (với các loại cây chủ lực như: vú sữa, xoài, nhãn, bưởi,...) được cấp 36 mã code với diện tích 320,01 ha để liên kết xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ...; xây dựng được 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, mô hình sản xuất VietGAP được duy trì với diện tích 373,4 ha.

             Để nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm mãng cầu gai theo chuỗi liên kết gắn với thị trường, tỉnh đã đầu tư nghiên cứu xây dựng được quy trình công nghệ để chế biến 05 sản phẩm từ mãng cầu gai (trà quả mãng cầu lên men; trà quả mãng cầu túi lọc; nước quả mãng cầu lên men; trà lá mãng cầu lên men; bột sinh tố mãng cầu); đồng thời, chuyển giao cho Công Ty TNHH Cẩm Thiều để sản xuất các sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị của mãng cầu gai, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng mãng cầu gai, đồng thời đưa sản phẩm mãng cầu gai đến gần hơn với thị trường tiêu thụ. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm bánh nhân mứt mãng cầu gai.

Mô hình trồng hành tím xen canh gối vụ ớt sừng vàng Châu Phi trong nhà lưới ở Vĩnh Châu

             Rau

             Trong thời gian qua, tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng các nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, các quy trình sản xuất tiên tiến... vào các mô hình sản xuất rau nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các loại rau đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể như: Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng kết hợp với tưới nhỏ giọt tại huyện Châu Thành và Trại Thực nghiệm công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng; mô hình trồng màu áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tại huyện Châu Thành; mô hình tưới tiết kiệm trên cây hẹ quy mô nông hộ ở huyện Mỹ Xuyên; mô hình trồng ớt phủ bạt trong nhà lưới tại huyện Long Phú; Bên cạnh việc ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, tỉnh đã kết hợp với hệ thống điều khiển tự động, thiết bị giám sát nhiệt độ, ẩm độ qua internet để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Toàn tỉnh có 115 nhà lưới, nhà màng trồng rau với diện tích là 6 ha. Diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên 35 ha, có 7 cửa hàng bán rau an toàn. Việc duy trì, phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới cùng với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến đã giúp phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị.

            Tôm nước lợ

             Để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người nuôi tôm nước lợ ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh đã triển khai lắp đặt hệ thống giám sát nồng độ oxy hòa tan cho ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Cù Lao Dung. Thông qua chỉ tiêu nồng độ oxy hòa tan được đo, người nuôi tôm kiểm soát được lượng thức ăn, chế độ quạt nước và các chỉ tiêu môi trường khác có liên quan. Kết quả này có khả năng duy trì và nhân rộng cho các trang trại, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, giúp cho người dân ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Hiện nay, tỉnh đang triển khai việc ứng dụng công nghệ để xây dựng mô hình tự động quản lý môi trường nước trong ao nuôi tôm tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở thị xã Vĩnh Châu. Với việc ứng dụng các công nghệ mới sẽ giúp cho người nuôi tôm kiểm soát được lượng thức ăn, chế độ quạt nước, các chỉ tiêu môi trường ao nuôi tôm, hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi tốt hơn. 

             Ngoài ra, một số doanh nghiệp nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất: Ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà kính, công nghệ Biofloc, sử dụng máy cho tôm ăn tự động, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC; mô hình nuôi tôm lót bạt 2 giai đoạn, nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm;... mang lại hiệu tích cực, góp phần kiểm kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính.

              Artemia

              Nhằm hướng tới mô hình nuôi Artemia đạt năng suất ổn định và bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương, tỉnh đã xây dựng và áp dụng quy trình nuôi Artemia thâm canh trong mô hình nuôi Artemia với quy mô 2,8 ha, năng suất bình quân đạt 151,8 kg trứng bào xác Artemia tươi/ha/vụ tại thị xã Vĩnh Châu. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến trứng bào xác Artemia, công suất sấy bình quân 30-45kg trứng bào xác Artemia tươi/ngày tương đương 6.000 - 7.000 kg trứng bào xác Artemia tươi/vụ/năm tại Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu. Qua đó đã tạo được mối quan hệ khép kín từ khâu nuôi đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

             Từ hiệu quả nêu trên, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu đã tiếp tục đầu tư thêm 2 thiết bị sấy trứng bào xác Artemia, bình quân mỗi vụ nuôi, Hợp tác xã đã sấy khoảng 6,6 tấn trứng bào xác Artemia tươi. Thị trường tiêu thụ trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu đã được mở rộng. Ngoài ra, trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu đã được bán trực tuyến thông qua Website (http://artemiavinhchau.vn), nhãn hiệu “Artemia Vĩnh Châu” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vào năm 2012. Để tiếp tục khai thác tiềm năng, đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên của địa phương cho việc phát triển sản xuất Artemia tỉnh đang đầu tư nghiên cứu quy trình nuôi Artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến tại thị xã Vĩnh Châu và xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu nhằm làm cơ sở cho việc mở rộng diện tích nuôi, nâng cao giá trị trứng bào xác Artemia và việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.

              Bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, ngày 20/5/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Kết quả thực hiện đề án này sẽ nâng cao chất lượng của các sản phẩm, góp phần hình thành và phát triển sản phẩm của tỉnh mang tính hệ thống, có sử dụng công nghệ tạo ra những sản phẩm xanh, sạch phục vụ người tiêu dùng. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng một số sản phẩm thuộc Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” nâng cao chất lượng của một số sản phẩm tiêu biểu của địa phương, góp phần phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. 

             Nhìn chung, việc ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dương Vĩnh Hảo



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77318872

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.