Lượt xem: 601
Kỹ thuật dinh dưỡng trong ương giống cá măng sữa
Cá măng sữa (Chanos chanos), còn được gọi là cá măng biển, cá chua (tên địa phương), là một loại cá sử dụng làm thực phẩm quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Thức ăn của cá măng sữa là các loại lab-lab, tảo, các chất vẩn,…; trong điều kiện nuôi cá măng sữa cũng thích nghi, sử dụng khá tốt các thức ăn nhân tạo.

Cá măng sữa được xem là loài cá giàu protein, vitamin B và selen; cung cấp một nguồn đáng kể các chất béo, chất béo bão hòa, cholesterol và calo cho người dùng. Trẻ em tiêu thụ thường xuyên cá măng sữa giúp phát triển trí não, trí nhớ và ngăn ngừa bệnh tim, kiểm soát mức cholesterol, nuôi dưỡng mắt và giảm trầm cảm đối với người lớn. Ngoài ra, Omega 3 trong thịt cá rất tốt cho phụ nữ mang thai để tăng sữa mẹ và chất lượng sữa.

Hiện nay, cá măng sữa được xếp vào nhóm các có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Quần đàn cá măng sữa trong tự nhiên ở Việt Nam đã đã suy giảm nghiêm trọng, số lượng cá trưởng thành ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt. 

Ở nước ta, cá măng sữa phân bố ở vùng biển Đông vịnh Bắc bộ và vùng biển miền Trung, thường gặp nhiều nhất ở Bình Định. Trong những năm gần đây, cá măng sữa là đối tượng nuôi mới, cá được nuôi thử nghiệm ở một số tỉnh ven biển với hình thức nuôi quảng canh; nuôi ghép trong các ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nhằm góp phần làm sạch môi trường nhờ vào đặc điểm dinh dưỡng của cá măng, giảm rủi ro về bệnh cho tôm nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ở Sóc Trăng, cá măng sữa hiện đang được triển khai nuôi kết hợp với tôm sú tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá đối mục, cá măng) theo hướng bền vững tại khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng ” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.

Hiện nay, giống cá măng sữa phục vụ cho hoạt động nuôi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cá giống khai thác từ tự nhiên, chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng giống cũng như mùa vụ nuôi của người dân.

Vì vậy, việc nghiên cứu dinh dưỡng trong ương giống cá măng sữa nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của tỉ lệ cho ăn và tần suất cho ăn lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và hệ số chuyển đổi thức ăn, hệ số phân đàn của cá măng sữa ở giai đoạn cá hương lên cá giống, góp phần hoàn thiện kỹ thuật ương để cung cấp giống cho người nuôi. Nhóm nghiên cứu đã bố trí thí nghiệm với 9 nghiệm thức tương ứng với 3 mức tỉ lệ cho ăn là 5% khối lượng cá (BW)/ngày, 10% BW/ngày và 15% BW/ngày kết hợp với 3 tần suất cho ăn là 2 lần/ngày (2F), 3 lần/ngày (3F) và 4 lần/ ngày (4F). Mỗi nghiệm thức có 3 lần lặp lại; kích cỡ trung bình của cá là 2,7 ±0,08 cm/con được ương trong 27 bể compiste, 500 L/bể; mật độ ương 1,5 con/L; thời gian ương là 28 ngày.

Kết quả, tại thời điểm kết thúc thí nghiệm, khối lượng trung bình của cá đạt cao nhất ở nghiệm thức 4Fx10%BW (4,39 g/con) và 4Fx15%BW (4,37 g/con) nhưng không khác biệt có ý nghĩa với khối lượng cá ở nghiệm thức 3Fx10%BW (4,26 g/con). Cá ở nghiệm thức 2Fx5%BW có khối lượng trung bình thấp nhất (3,17g/con). Chiều dài trung bình của cá ở nghiệm thức 2Fx5%BW thấp nhất (4,34 cm/con) nhưng không khác biệt so với cá ở các nghiệm thức 2Fx10%BW, 2Fx15%BW và 3Fx5%BW. Chiều dài cá ở nghiệm thức 3Fx10%BW cao nhất (6,20 cm/con) nhưng không khác biệt so với cá ở nghiệm thức 3Fx15%BW hoặc các nghiệm thức có 4 lần cho ăn (P>0,05). 

Tốc độ tăng trưởng về chiều dài cá cũng phản ánh tương tự ở khối lượng cá. Như vậy kết hợp cho cá ăn 3 lần/ngày với tỉ lệ cho ăn 10 %/BW/ngày (nghiệm thức 3Fx10% BW) tối ưu nhất về mặt tăng trưởng của cá và giảm số lần cho cá ăn, dẫn đến giảm thời gian lao động chăm sóc cá.

Tỉ lệ cho ăn 5% BW/ngày với tuần suất 2 lần/ngày làm tăng mức độ phân đàn của của cá. Tỉ lệ sống trung bình của cá ở nghiệm thức 3Fx10%BW đạt cao nhất (95,0%).

Ương cá măng sữa giai đoạn cá hương lên cá giống.

Qua kết quả cho thấy, khi tối ưu hóa các chỉ tiêu đánh giá, để cá có tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ sống cao; hệ số phân đàn thấp, FCR thấp, số lần cho cá ăn nên chọn tỉ lệ cho ăn 10 %BW/ngày và số lần cho ăn 3 lần/ngày. Kết quả này, góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá măng sữa, cung cấp cho người nuôi, giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng của giống loài này cũng như phát triển nghề nuôi cá măng sữa trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

- https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_m%C4%83ng_s%E1%BB%AFa.

- http://www.rimf.org.vn/bantin/chitiet/dacdiemsinhhoccuac225mangsuac225sua.

- Trần Thị Kim Ngân, Nguyễn Đình Vinh, Tạ Thị Bình, Trần Đức Lương, Nguyễn Quang Huy (2021). Ảnh hưởng của tỷ lệ và tần suất cho ăn lên tăng trưởng, tỷ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn của cá măng sữa (Chanos chanos Forsskål, 1775) giai đoạn cá hương lên cá giống, Tạp chí Khoa học - Công nghệ thủy sản trường ĐH Nha Trang, số 01 - 2021 trang: 057-062.

Tác giả: Lâm Văn Tùng

Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1260980
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.