Lượt xem: 460
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam
Chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới khi các thành tựu của khoa học và công nghệ đang hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống. Chính phủ Việt nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề CĐS trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng số đã lan tỏa trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua và tạo ra những cơ hội cho nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển trong việc tăng năng suất, tăng việc làm và chất lượng cuộc sống, bắt kịp các nước phát triển trên thế giới. Từ đó cho thấy, CĐS là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc CMCN 4.0, nhưng cũng là nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại ngày càng xa đối với các quốc gia, doanh nghiệp không quan tâm đến nó. CĐS không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mà nó phải được hiểu là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, dữ liệu và công nghệ số làm chuyển đổi, cải biến toàn diện mô hình, quy trình, sản phẩm/kết quả đầu ra của quá trình sản xuất kinh doanh trong xã hội.

CĐS có thể hiểu là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. CĐS không có nghĩa là số hóa. "Số hóa" là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn CĐS là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta sử dụng các công nghệ như AI, Big Data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

Tại Việt Nam, quá trình CĐS đã bắt đầu diễn ra trong những năm gần đây, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... Chính phủ và các ngành, các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Nhiều thành phố cũng đang có ý định xây dựng thành phố thông minh với các nền tảng công nghệ mới... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc CMCN 4.0.

Doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ đều không thể nói “không” với CĐS, nếu không CĐS, doanh nghiệp sẽ bị thụt lùi so với các doanh nghiệp cùng ngành, giảm sức cạnh tranh và không thể đuổi kịp đối thủ. Trong quá trình CĐS, dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, vì dữ liệu là tiền đề của quá trình phân tích số liệu. Theo báo cáo đánh giá của công ty mạng toàn cầu-Cisco: các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình CĐS như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép CĐS (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa, kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)... Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để CĐS (10,7%).

Là vấn đề mang tính cấp thiết, để CĐS thành công tại Việt Nam, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội và cần có những định hướng giải pháp cụ thể.

Một là, trên quy mô quốc gia, CĐS là công việc của nhiều cấp, nhiều ngành, và của toàn xã hội, nên CĐS cần có một đề án chung để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ rộng khắp, hiệu quả. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “CĐS quốc gia”. Đề án này cần xác định tầm nhìn, mục tiêu và những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong xã hội xác định và triển khai kế hoạch CĐS cụ thể của mình trên con tàu CMCN 4.0.

Hai là, phát triển hạ tầng viễn thông. Để tạo điều kiện cho CĐS, trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là sớm triển khai chính thức mạng di động 5G. Đồng thời phải quan tâm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là một thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Ước tính có tới 35% người dùng Internet ở Việt Nam có khả năng phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng, cao thứ 6 trên thế giới.

Ba là, thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên dữ liệu số. Trong bối cảnh CĐS, dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng, là tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho CĐS. Trong thời gian qua, việc phát triển các cơ sở dữ liệu trong cả khu vực công và tư đã được chú trọng, nhưng về cơ bản các cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai; việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư rất hạn chế, chủ yếu là cát cứ thông tin. Điều này làm lãng phí nguồn lực, cản trở triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ số.

Bốn là, phát triển hạ tầng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Việt Nam. Mặc dù đã đạt được các kết quả trong việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các hình thức khác để triển khai việc định danh, xác thực điện tử. Nhưng so với nhu cầu của CĐS, vẫn còn nhiều hạn chế, các tổ chức mới chỉ cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực cho dịch vụ, hệ thống khách hàng của riêng mình, phạm vi hẹp, thiếu kết nối, liên thông. Hạn chế này là do Việt Nam chưa xây dựng được một hạ tầng định danh, xác thực điện tử, kết nối, liên thông trên quy mô quốc gia, chưa có khung pháp lý về định danh và xác thực điện tử hoàn chỉnh. Khi mà CĐS mạnh mẽ, các chủ thể, đối tượng trong thế giới thực sẽ dịch chuyển sang thế giới ảo, thì việc định danh, xác thực điện tử hay cung cấp danh tính số càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Năm là, nâng cao trình độ lực lượng lao động ICT. Theo số liệu từ trang tuyển dụng Vietnamworks, đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn thiếu hụt 70.000 lao động trong lĩnh vực ICT. Năm 2020, số lượng thiếu hụt nhân lực sẽ lên tới 500.000. Không chỉ hạn chế về số lượng, sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao và các kiến thức bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường công nghệ là nguyên nhân khiến cho nhân sự ICT cấp cao ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn tới sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu hút nhân tài.

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển ICT. Trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành tạo điều kiện ứng dụng và phát triển ICT trong các lĩnh vực. Cụ thể như Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, các nghị định… Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay còn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện CĐS. Cụ thể như thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ và doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình CĐS.

(Tin tổng hợp từ nguồn: https://vjst.vn/).

Văn phòng Sở KH&CN (Trúc Phương)

Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1263481
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.